Xã hội

Chuyện về những bác sĩ của… thú cưng ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, dịch vụ chăm sóc, chữa bệnh cho thú cưng có đất dụng võ ở Gia Lai. Công việc của bác sĩ phục vụ những khách hàng đặc biệt này cũng có lắm điều thú vị.
Khóc cười cùng thú cưng
Trong 15 năm gắn bó với nghề, bác sĩ thú y Nguyễn Thị Hiếu Thuần (Phòng khám Pet Healthcare, 22 Phan Bội Châu, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Theo bác sĩ Thuần, phong trào nuôi thú cưng bắt đầu phát triển mạnh khoảng 5-7 năm trở lại đây và nhiều người coi thú cưng như con cái. Họ lo lắng khi chúng bị đau ốm, bỏ ăn. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng chi ra số tiền lớn để thuê xe đưa thú cưng vào TP. Hồ Chí Minh để chữa trị nếu chẳng may bị bệnh nặng.
“Bình quân mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hơn 40 lượt người mang thú cưng đến khám, điều trị, chích ngừa và làm đẹp. Và, hầu như tháng nào mình cũng có ca bệnh nặng phải chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để chữa trị. Mới đây nhất, chúng tôi tiếp nhận chú cún tên Haru ở thị xã An Khê trong tình trạng đái ra máu. Sau khi siêu âm và làm xét nghiệm tổng quát, chúng tôi xác định cún bị ung thư tinh hoàn, suy gan, suy thận. Mặc dù tỷ lệ sống rất thấp song chủ nhân vẫn mong muốn chuyển chú cún cưng vào TP. Hồ Chí Minh để kéo dài sự sống”-chị Thuần giãi bày.
bác sĩ thú y Nguyễn Thị Hiếu Thuần đang phẫu thuật mổ lấy thai cho một chú cún cưng
Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Hiếu Thuần phẫu thuật mổ lấy thai cho một chú cún cưng. Ảnh: Anh Huy


Vừa hoàn thành ca triệt sản cho chú cún Nhật, 2 bác sĩ thú y Lê Thanh Tâm và Nguyễn Vũ Trường (Phòng khám Pleiku Pet, 17 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Thương, TP. Pleiku) lại quay sang tắm, gội, cắt lông cho 2 chú cún khác. Trước khi mở phòng khám ở TP. Pleiku, 2 bác sĩ đã có hơn 2 năm làm việc ở TP. Hồ Chí Minh.

Nhắc lại khoảng thời gian này, bác sĩ Tâm trải lòng: “Một chú chó Alaska được khách mang đến phòng khám trong tình trạng suy kiệt do bị nhiễm ký sinh trùng, cần truyền máu gấp. Chúng tôi huy động mọi mối quan hệ, liên hệ với các trung tâm nuôi dưỡng chó và 16 giờ sau thì tìm đủ lượng máu cần thiết. Vì dòng chó này khá lớn nên lượng máu cần truyền cũng nhiều. Nhưng chỉ mới truyền được 20 ml máu thì chú chó không qua khỏi. Khi đó, cả ê kíp và chủ nhân con chó đều òa khóc nức nở”.

Với mong muốn chăm sóc tốt nhất và có thể cứu trợ thú cưng khi cần thiết, 2 bác sĩ Tâm và Trường đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở phòng khám với đầy đủ máy thở, máy hút dịch, lồng úm, máy xét nghiệm, máy siêu âm, monitơr để kiểm soát chỉ số sinh tồn, bàn phẫu thuật…

Không chỉ có tiềm năng...  
Mặc dù phải chi gần 700 ngàn đồng để khám, điều trị bệnh cho chú cún cưng dòng Poodle, song chị Dương Thị Hồng Thơm (thôn Đồng Tâm, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) vẫn cảm thấy hài lòng. Chị Thơm cho hay: “Lúc sáng nhìn nó ủ rũ thấy thương vô cùng, giờ thì tươi tỉnh hơn rồi. Mình nuôi nó hơn 3 năm, rất ít khi bị bệnh, nhà lại xa nên thỉnh thoảng mới đem đi khám, mua áo mới và thức ăn bồi bổ”.
Nhận bịch thuốc cho 10 ngày uống, chị Thơm nói thêm: “Cún cũng như con người khi đau ốm rất cần sự quan tâm, chăm sóc và ăn thức ăn bổ dưỡng: các loại hạt, uống sữa, ăn pate... Uống hết 10 ngày thuốc, mình sẽ đưa cún đi tái khám. Nuôi thú cưng mà nghĩ đến chuyện mất công, tốn tiền thì khó nuôi lắm”.
Ngồi chờ chú cún hồi tỉnh sau phẫu thuật triệt sản, anh Lê Thành Tài (38/30 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) bộc bạch: “3 tháng trước, mình vô tình thấy chú cún này trong cửa hàng kinh doanh thịt chó. Thấy thương quá, mình mua lại với giá 500 ngàn đồng. Sau đó, mình đăng trên mạng xã hội Zalo, Facebook để tìm chủ nhân nhưng mãi không thấy người đến nhận nên giữ lại để nuôi. Chú cún này hiền và rất tội nghiệp, mỗi khi đau hoặc mệt cứ nhào vô lòng chủ để được ôm ấp, vuốt ve”.
 Bác sĩ thú y tại Phòng khám Pleiku Pet chữa bệnh cho thú cưng. Ảnh: Anh Huy
Bác sĩ thú y tại Phòng khám Pleiku Pet chữa bệnh cho thú cưng. Ảnh: Anh Huy
Bên cạnh những người chủ yêu thương, sẵn sàng bỏ số tiền khá lớn để điều trị, chăm sóc thú cưng thì vẫn có một số người sẵn sàng bỏ chó, mèo lại phòng khám mà không quay lại nhận, vì cho rằng chi phí cao hoặc có nhận về nó cũng chết! Riêng Phòng khám Pet Healthcare mỗi tháng tiếp nhận 4-5 trường hợp chủ nhân không nhận lại thú cưng.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm trong nghề, bác sĩ Thuần kể: “Cách đây vài năm, chúng tôi tiếp nhận 1 chú cún trong tình trạng nguy kịch. Sau khi làm phiếu tiếp nhận thì người mang chó đến có đưa mình số điện thoại bảo trao đổi trực tiếp với chủ nhân thật sự. Mình kiểm tra các bước thì thấy chú cún bị bệnh nặng, khó chữa khỏi. Lúc đó, mình trao đổi qua điện thoại với chủ nhân thì họ nói bỏ, không chữa nữa. Thế nhưng, 2 tháng sau, người mang chó đến phòng khám lại đến đòi con chó… đã chết”.
Theo bác sĩ Thuần, khó khăn nhất đối với các phòng khám thú y đó là khách hàng thiếu hợp tác, thậm chí bỏ thú cưng không nhận khi chúng bị bệnh nặng hoặc chi phí điều trị cao. Hơn nữa, thuốc nội thì hạn chế mà thuốc ngoại nhập giá lại cao nên khâu điều trị chưa được thỏa mãn.
Chỉ vào cánh tay với chi chít vết sẹo, vết trầy xước, bác sĩ Thuần cho hay: “Mỗi thú cưng đến khám, điều trị, mình không khi nào cột hay rọ mõm vì như thế chúng sẽ bị áp lực, bị stress và không “hợp tác” để tìm ra bệnh. Có chú chó, mèo vì đau quá nên phản ứng cào cấu vào tay mình, nhưng đã làm nghề thì chuyện đó là hết sức bình thường”.
Trao đổi thêm về những khó khăn trong nghề, bác sĩ Lê Thanh Tâm chia sẻ: Ở các thành phố lớn, người ta sẵn sàng bỏ số tiền lớn để phẫu thuật xương, điều trị ung thư cho thú cưng, nhưng ở đây vẫn còn hạn chế. Thậm chí, nhiều người còn nặng suy nghĩ, tiền chữa bệnh nhiều hơn tiền mua một con chó, mèo khác thay thế. Vì vậy, họ bỏ mặc, không điều trị. Mỗi lần như thế, mình cũng buồn lắm nhưng vẫn tâm niệm “bác sĩ nhân y cứu con người, bác sĩ thú y cứu cả loài người”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm