Ngày ấy, hầu hết các đơn vị của tỉnh đều có khu tập thể. Tôi may mắn được bố trí ở trong căn phòng tập thể có mái tôn, vách thưng 2 lớp gỗ đã mục, chuột rúc rích suốt ngày.
Những năm đầu giải phóng, cán bộ, nhân viên các đơn vị trong tỉnh phần lớn là anh chị em từ căn cứ về, chuyển ngành từ bộ đội sang hoặc được tuyển dụng từ các địa phương… rồi đưa đi đào tạo nên về cơ bản, môi trường công sở khá thuần cả về sinh hoạt và tư tưởng. Từ năm 1980, các đơn vị trong tỉnh bắt đầu được bổ sung cán bộ có trình độ đại học, nhưng mỗi đợt chỉ một vài người nên bộ phận thiểu số dễ hòa nhập vào đa số. Còn lần này (cuối năm 1985), riêng Sở Văn hóa-Thông tin đã tiếp nhận khoảng 10 người, hầu hết là sinh viên vừa tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy của các trường đại học, cao đẳng từ TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Lạt…
Lúc chúng tôi về, Sở Văn hóa-Thông tin ở số 4 đường Trần Hưng Đạo. Sang trọng nhất trong cơ quan là 4 ngôi nhà cấp 4. Trong đó, căn nằm đối diện với cổng ra vào, cách cổng một khoảng sân khá rộng, rợp bóng thông, nơi có giàn bông giấy trùm cả mái hiên. Chúng tôi vẫn nói thầm với nhau, đây là nơi “trang nghiêm”, bởi ở đó có phòng làm việc của giám đốc, các phó giám đốc và một số phòng nghiệp vụ. Quan trọng thứ hai trong khu công sở này là nhà làm việc của Phòng Hành chính, Phòng Tổ chức… nằm theo hướng Đông Tây, áp sát phía Nam cổng ra vào. Ai muốn vào ra cơ quan cũng phải bước qua đây. Với đám “lính mới”, mỗi khi phải đi qua khoảng sân này, tay chúng tôi như thừa, chân luýnh quýnh chỉ muốn đá vào nhau, bởi bất cứ lúc nào, từ cái cửa nhô ra ở phần đuôi của ngôi nhà có kiến trúc hình chữ T kia cũng có các chị, các cô... vây kín. Người thì tay thoăn thoắt đan len, người không đan, móc… thì tay chống nạnh, rôm rả với bao nhiêu là chuyện trên trời, dưới đất. Trong đó, chủ đề không thể thiếu là bàn tán về những người lọt vào “tầm ngắm” của các chị, các cô khi ra vào cổng. Có khi đang đi, chúng tôi bỗng nghe tiếng cười phá lên mà chân tay bỗng trở nên lúng túng, rồi đoán xem những tiếng cười ấy có liên quan đến mình không. Sau này, chúng tôi mới rõ nguồn cơn: Thì ra, chuyện ăn mặc của đám “lính mới” lúc ấy làm các “lính cũ” “ngứa mắt”. Đã thế, tối tối, chúng còn đóng cửa phòng ở để đàn hát, nhảy nhót… Không thể chịu nổi sự nhí nhố này, trong một cuộc họp chi đoàn, cả đám “lính mới” đã bị đưa ra phê bình.
Với tôi, chuyện đó không “sốc” lắm. Bởi, tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc nên rất hiểu những chuẩn mực đạo đức của một thời “thắt lưng, buộc bụng”. Những năm học cấp III ở Pleiku, tôi vẫn không chấp nhận được kiểu trang phục quần loe, áo ôm. Còn nhớ, năm 1981, do giấy báo trúng tuyển đại học đi từ Ban Tổ chức chính quyền tỉnh về đến nơi tôi ở phải mất gần 1 tháng nên nhập học trễ. Thấy tôi, một bạn gái cùng lớp ở ký túc xá đã hét lên: “Lớp này không thể để một con như mày được!”. Thế là, các bạn đè tôi ra tự cắt tóc, nhổ lông mày, sửa lại mớ quần áo của tôi. Cuộc “cách mạng” chân thành ấy dần làm tôi chuyển biến. Dù vậy, khi mua một cái áo đúng “mốt”, tôi vẫn phải đưa cho bạn mặc trước rồi mới mặc sau. Dần dần, tôi bắt đầu mặc những chiếc quần loe, tập chơi guitar... Khi về Sở Văn hóa-Thông tin, quần áo của chúng tôi có phần... khác thường là do hoàn cảnh. Vì tiêu chuẩn 1 năm chỉ có 4-5 m vải, tiền công may thì đắt nên chúng tôi thường mua vải về rồi tự may (tay) cho đỡ tốn. Không may được cổ cánh én, cánh sen…, tôi xếp đôi miếng vải lại, lấy kéo khoét phần trên làm cổ, phần dưới rút bớt sợi vải để tạo thành tua, luồn một cọng dây buộc ngang hông… thành áo. Những bạn thường đi với tôi, người thì toàn mặc váy, đứa thì toàn quần jeans nên mới tạo thành cái “tổ hợp” chướng mắt.
Nhiều chục năm trôi qua, cuộc sống có biết bao thay đổi. Giờ tôi nhắc lại chuyện này chỉ như một kỷ niệm vui. Nhưng ngày ấy, không ít người phải dở khóc, dở cười trước những lời gièm pha, những lần kiểm điểm để rồi… hội nhập.