(GLO)- Mới đây, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng phối hợp với Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến tỉnh Gia Lai tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo xã Ia Ake, huyện Phú Thiện. Đi cùng đoàn, tôi lại có dịp quay lại thăm vùng đất của Pơtao Apui (Vua Lửa) này.
Các y-bác sĩ khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Ia Ake (huyện Phú Thiện). Ảnh: Đ.M.P |
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Long dẫu thuộc lớp cán bộ “sinh sau đẻ muộn” nhưng khi được hỏi về một số chuyện của vùng đất này cũng nắm khá rõ. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã, phấn đấu để trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2018, Ia Ake đã được đầu tư từ nhiều nguồn vốn với tổng cộng trên 150 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí đáng kể nhất là vốn người dân đóng góp và vốn vay tín dụng ở ngân hàng (tổng 2 nguồn vốn này lên đến gần 112 tỷ đồng). Nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy được sự nỗ lực vươn lên của hơn 7,7 ngàn người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây để trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2011, khi triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, theo quy hoạch, thống kê, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thì Ia Ake còn thiếu... 14/19 tiêu chí! Những tiêu chí chưa đạt chuẩn lại toàn là những tiêu chí quan trọng như: giao thông, hộ nghèo, nhà ở dân cư, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa... Dẫu Ia Ake có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi như: nằm dọc theo quốc lộ 25 kéo dài trên 2,5 km, gần thị trấn huyện lỵ, ruộng 2 vụ khá nhiều lại được cung cấp nước quanh năm từ kênh mương của công trình thủy lợi Ayun Hạ, điện lưới quốc gia đã phủ gần như kín... nhưng với trên 65% dân số là người dân tộc thiểu số, để làm chuyển biến về mặt tư tưởng, ra sức lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu, đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới như ngày nay không phải là điều dễ.
Theo chân Phó Bí thư Đảng ủy xã ra đồng, tôi không khỏi bất ngờ với những con số anh nêu và thực tế trên đồng ruộng... Trên 3,3 ngàn ha diện tích tự nhiên có hơn một nửa là đất gieo trồng hàng năm; trong đó lúa 2 vụ (năng suất bình quân 75 tạ/ha) trên những cánh đồng lớn là 529 ha. Chúng tôi ghé vào làng Glung B. Anh Long cho biết, đây là làng mà xã chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới. Ngôi làng Jrai này nằm về phía Đông quốc lộ 25, cách trụ sở UBND xã Ia Ake không xa. Nhà, ruộng và vườn cứ như xen lẫn vào nhau, được quy hoạch bài bản; những con đường dọc ngang trong làng đã được bê tông hóa; nhà sàn, nhà xây cũng lẫn vào nhau, có một trục đường trong làng mà trước hiên mỗi nhà đều có những hàng hoa rực sắc tím. Theo anh Long, Glung B có 145 hộ, trên 500 khẩu. Bà con chủ yếu làm ruộng lúa 2 vụ và trồng một số cây ngắn ngày khác; đời sống, thu nhập nằm trong tốp đầu của các thôn, làng trong xã...
Khá trưa, chúng tôi trở lại nơi các thầy thuốc của Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh cùng các y-bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện đang gấp rút hoàn thành việc khám, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 300 người trong diện gia đình chính sách và người già, bệnh tật. “Đây là công việc đã quá quen thuộc của các thầy thuốc. Bà con đến khám bệnh, nhận thuốc và quà tặng rất phấn khởi, rất cảm ơn... chúng ta”-Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Nguyễn Thanh Hùng tươi cười “báo cáo” như thế. Và khi ấy, tại “hiện trường” còn có cả dàn lãnh đạo, từ Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Thị Xoa, Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện... đang cùng vào cuộc, giúp các thành viên trong đoàn chúng tôi và bà con đến khám bệnh những việc hậu trường.
Thông qua những câu chuyện hôm ấy, chúng tôi biết rằng không chỉ Ia Ake mà còn nhiều xã khác cũng rất cần có sự chung tay giúp sức của các Mạnh Thường Quân, các tổ chức thiện nguyện để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền của huyện chăm lo đời sống cho bà con trên vùng đất này.
ĐOÀN MINH PHỤNG