Bằng đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Chung Thị Mỹ Phương (25 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lươn không bùn, thu lãi nửa tỉ đồng mỗi năm.
Chung Thị Mỹ Phương cho biết trong dịp tình cờ, chị cùng một người bạn phát hiện tài liệu nói về con lươn. Càng đọc, chị càng say mê và thấy thích thú. Từ đó, ý tưởng nuôi lươn sạch luôn được chị ấp ủ. Đầu năm 2018, sau khi tìm hiểu một số kiến thức nhất định về kỹ thuật nuôi lươn, Phương bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi lươn không bùn tại quê nhà với số vốn ban đầu 30 triệu đồng.
Chị Phương kiểm tra nguồn nước và chăm sóc lươn thịt. Ảnh: Xuân Phúc |
“Lúc đó, gia đình phản đối vì cho rằng con gái không đủ sức. Nhiều lúc bị la rầy, tôi phải đi khỏi nhà. Tôi qua Cần Thơ làm phục vụ quán ăn, nhờ mẹ ở nhà chăm việc nuôi lươn. Vừa làm, tôi vừa mua thức ăn cho lươn nên với tiền lương hằng tháng khiến cuộc sống khá vất vả. Đợt đầu, tôi nuôi lươn dường như không có lãi, chỉ tích lũy được thêm kinh nghiệm ở từng khâu nuôi. Đến đợt tiếp theo, tôi lỗ hết số tiền vay mượn. Dù vậy, tôi không cho phép mình nản chí”, Phương nhớ lại.
Cũng theo Phương, công việc phục vụ quán ăn tại Cần Thơ giúp chị quen biết được một số người bên công ty thu mua lươn. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của những người này nên Phương không phải lo lắng về đầu ra cho lươn khi bị thương lái ép giá.
Từ vốn ban đầu chỉ có 30 triệu đồng, Phương mua con giống, bạt phủ trên diện tích vỏn vẹn 12 m2 đất để nuôi 4.000 con lươn thương phẩm. Nhờ chịu khó, đến nay, số lượng lươn và diện tích nuôi tăng dần lên. “Hiện tại, diện tích nuôi lươn thương phẩm khoảng 70 m², còn diện tích nuôi lươn giống là 2.000 m2. Trung bình, mỗi năm tôi xuất bán hơn 1 triệu con lươn giống và 4,5 tấn lươn thịt. Trừ chi phí, thu lãi khoảng 500 triệu đồng”, Phương nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm, Phương cho biết điều quan trọng nhất là người nuôi phải nắm rõ được đặc tính của lươn, từ đó có cách xử lý phù hợp về nguồn nước, thức ăn dinh dưỡng giúp lươn khỏe, có sức đề kháng tốt. Hiện nay, trung bình từ 3 - 4 tháng, khi lươn đạt trọng lượng khoảng 2 - 3 con/kg, Phương sẽ xuất bán. Bên cạnh đó, mỗi tháng, chị còn cung cấp từ 100.000 - 200.000 con giống cho các tỉnh phía bắc và miền Trung.
Anh Bùi Hoàng Ân, Bí thư Huyện đoàn Trà Ôn, cho biết mô hình nuôi lươn không bùn của Phương là mô hình khởi nghiệp thanh niên của xã Vĩnh Xuân, đang phát huy hiệu quả và mang lại thu nhập rất cao. Phương mạnh dạn khởi nghiệp, xung kích làm kinh tế bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và đã thành công với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Đây cũng là mô hình mới của địa phương, trước mắt chúng tôi cùng chính quyền địa phương hỗ trợ Phương phát triển mô hình và đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình nuôi lươn không bùn này sâu, rộng trong đoàn viên, thanh niên, giúp thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương”, anh Ân nói thêm.
Theo Xuân Phúc (TNO)