Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Cô gái 'bỏ phố về rừng': Những ngày rỗng túi và cầu vồng sau mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau 4 năm 'bỏ phố về rừng', một cô gái 28 tuổi nhận được sự bình yên, học được giá trị của sự đánh đổi và chấp nhận đối mặt khoảng thời gian kinh doanh tụt dốc, gần như trắng tay.
“Bỏ phố về rừng” tìm bình yên
Tốt nghiệp ĐH ngành Quản trị kinh doanh hồi năm 2015, Dương Khánh Huyền (28 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) “đâm đầu” vào công việc, nhận hai việc cùng lúc ở TP.HCM. Có thời điểm, Huyền phải làm 14 - 15 giờ liên tục mỗi ngày và lúc mới 24 tuổi, Huyền được mời về làm phó phòng marketing đối ngoại một công ty.

Mỗi góc homestay đều được cô tự tay trang trí. Ảnh: NVCC
Mỗi góc homestay đều được cô tự tay trang trí. Ảnh: NVCC
Tuổi trẻ của cô là chuỗi ngày làm việc quên thời gian, đến thời điểm không thể cầm cự được nữa, Huyền bỏ lại công việc với mức lương tốt ở TP.HCM, đến Đà Lạt (Lâm Đồng) và bắt đầu hành trình mới hồi năm 2018.
Điểm dừng chân của Huyền là ngôi nhà nhỏ đơn sơ mà bạn trai đã dựng sẵn từ lâu để đón bạn bè, gia đình có dịp ghé chơi.
Nhìn thấy tiềm năng phát triển homestay, Huyền cùng bạn trai bắt tay gây dựng lại, sửa sang ngôi nhà nhỏ để đưa vào kinh doanh. Từ đó, cô bắt đầu vẽ tranh, việc mà mình yêu thích từ lâu, rồi đem tranh trang trí quanh homestay.

Gỗ được dùng làm vật liệu chính để tăng sự mộc mạc và chất thơ trong homestay của Huyền. Ảnh: NVCC
Gỗ được dùng làm vật liệu chính để tăng sự mộc mạc và chất thơ trong homestay của Huyền. Ảnh: NVCC
Vững chãi vượt sóng gió
Nguồn thu từ homestay đầu tiên không có nhiều, đất vẫn là đất thuê, trong khi Huyền cùng bạn trai nuôi đứa cháu đang học ĐH nên chi tiêu rất tiết kiệm. Cô còn xắn tay làm việc như một nhân viên từ nhận khách, dọn dẹp, trồng cây, hoa…
Cũng có thời điểm tiền tích cóp không còn, Huyền nhận trang trí quán, bán ý tưởng, quản lý page, theo công trình đi làm quán xá khắp Đà Lạt từ sáng sớm đến tối mịt…
“Tôi nhận theo gói thầu, tức là từ khâu xây dựng, thi công, vận hành một khoảng thời gian ngắn, làm fanpage và hỗ trợ đào tạo nhân viên… Tôi chi tiền trước, hoàn thành thì chủ sẽ trả sau. Nhưng cuối cùng, họ chậm trả tiền, hoặc trả lắt nhắt rất lâu, có người còn quỵt hoặc sang quán”, Huyền nhớ lại.

4 năm bỏ phố, Huyền sở hữu 5 cơ sở kinh doanh và 2 công ty. Ảnh: NVCC
4 năm bỏ phố, Huyền sở hữu 5 cơ sở kinh doanh và 2 công ty. Ảnh: NVCC
Vào dịp tết năm 2019, Huyền và bạn trai lâm vào cảnh chỉ còn đúng 2 triệu đồng vì tiền bạc tích cóp bấy lâu đổ dồn vào những gói thầu. Người em đang kẹt tiền và cả hai đem cho mượn hết, thế là “rỗng túi” đúng nghĩa. Sau vụ việc bị lừa mất tiền, cô thận trọng hơn trong quá trình thỏa thuận, giao dịch hợp đồng.
Sau này, khi việc kinh doanh homestay phát đạt, có những lúc đông khách dẫn đến thiếu phòng, cô thậm chí nhường phòng của mình và dựng lều ngủ cả tháng ở khoảng sân ngoài trời.
Đến nay, cô gái 28 tuổi sở hữu 5 cơ sở kinh doanh và 2 công ty bao gồm homestay, quán cà phê và phim trường.

Homestay “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” của Huyền vừa hoạt động hồi tháng 10. Ảnh: NVCC
Homestay “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” của Huyền vừa hoạt động hồi tháng 10. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, khi đợt dịch Covid-19 lần 4 bùng phát nghiêm trọng, cô phải đóng cửa hết các cơ sở kinh doanh và hiện tại cũng chỉ mở lại 2 cơ sở.
Nhờ nguồn tài chính tích trữ lúc homestay “ăn nên làm ra” (2018 - 2020), cô vẫn có thể gồng gánh chi phí trả tiền thuê nhân viên dọn dẹp, quản lý… trong thời điểm dịch bùng phát.
Dù đã có trong tay nhiều thứ nhưng Huyền vẫn mê học hỏi mỗi ngày. “Tôi sẽ học thêm về ngoại ngữ, marketing, học lên về quản trị… Làm nhiều mới thấy bản thân còn thiếu sót và phải học nhiều lắm”, cô gái “bỏ phố về rừng” nói thêm.
Theo Thanh Dung (TNO)

Có thể bạn quan tâm