Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Cô gái Jrai đưa mô hình trồng nấm sạch về làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chị Ksor H'Nhi (buôn Rưng Ma Nin, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) một mình khăn gói ra Hà Nội học nghề trồng nấm rồi chia sẻ kinh nghiệm cho các đoàn viên, thanh niên. Đến nay, mô hình trồng nấm của chị đang từng bước khẳng định chất lượng, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.



Dám nghĩ, dám làm

Vốn gắn bó với nương rẫy, chị Ksor H'Nhi nhận thấy ngoài mùa vụ, thời gian nhàn rỗi nhiều, trong khi chưa làm chủ việc chi tiêu gia đình. Chính vì cái vòng luẩn quẩn tiết kiệm được bao nhiêu, lúc nông nhàn tiêu hết bấy nhiêu nên cuộc sống của bà con trong buôn mãi chẳng khá lên được. Đầu năm 2019, trong một lần tình cờ đưa con đi chữa bệnh tại Hà Nội, nghe giới thiệu về mô hình trồng nấm sạch của Công ty cổ phần đầu tư phát triển xanh bền vững Fargreen Việt Nam, chị đề nghị tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm. Được sự đồng ý, chị khăn gói ra Thủ đô học nghề trong vòng 1 tháng rồi về áp dụng tại địa phương.

Song thực tế không hề đơn giản, những mẻ nấm đầu tiên của chị liên tục thất bại, nấm không mọc hoặc mọc lên rồi bị bệnh, chất lượng và năng suất không như mong muốn. Không từ bỏ, chị tiếp tục tìm tới Công ty tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật. Riêng trong năm 2019, chị đã 3 lần ra Hà Nội để học nghề. Thấy được quyết tâm của cô gái người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Công ty đã cử kỹ sư về tận nơi hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc nấm sạch. Từ đó, mô hình bắt đầu đạt kết quả mong muốn.

 Chị Ksor H'Nhi (bìa phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Vũ Chi
Chị Ksor H'Nhi (bìa phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Vũ Chi


Chị H'Nhi chia sẻ: Ayun Pa có khí hậu nóng ẩm, nguồn nguyên liệu phong phú rất thích hợp để trồng nấm. Tuy nhiên, vì sản xuất theo hướng tự nhiên, an toàn sinh học nên yếu tố môi trường ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, để đảm bảo năng suất nấm, chị lắp đặt đồng hồ theo dõi nhiệt độ và độ ẩm. Nếu giai đoạn ủ rơm cần nhiệt độ lên tới 70-80 độ C thì giai đoạn nuôi tơ, nhiệt độ chỉ cần đạt ngưỡng 32-40 độ C, riêng giai đoạn nuôi quả thể, nhiệt độ thích hợp phải ở mức 27-30 độ C, độ ẩm 70-80%. Theo đó, người trồng nấm cần kiểm tra nhiệt độ 3 lần/ngày vào các khung giờ: 8 giờ sáng, 13 giờ và 17 giờ để điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cho thích hợp. Bình quân, khoảng 15-20 ngày, nấm sẽ cho thu hoạch.

Hiện tại, trại nấm của chị H'Nhi trồng nấm sò và nấm rơm với diện tích gần 200 m2. Mỗi ngày, chị thu hoạch khoảng 5 kg nấm. Chị chủ yếu bán tại vườn cho khách hàng quen với giá 60 ngàn đồng/kg nấm sò và 120 ngàn đồng/kg nấm rơm; còn đa phần chị phơi khô, đóng gói, được Công ty Fargreen bao tiêu với giá 950 ngàn đồng/kg nấm rơm và 450 ngàn đồng/kg nấm sò. Trung bình mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, chị lãi khoảng 4-5 triệu đồng. “Tuy quy mô trang trại còn nhỏ, nguồn thu nhập chưa đáng kể nhưng điều khiến tôi tâm đắc nhất là mình đã sản xuất ra sản phẩm nấm hoàn toàn sạch, thân thiện với môi trường. Với mô hình này, tôi vừa có thêm thu nhập hàng tháng mà mỗi ngày chỉ phải dành ra 2-3 giờ chăm sóc nấm. Thời gian còn lại, mình vẫn đảm bảo công việc khác”-chị H'Nhi bộc bạch.

Hướng phát triển bền vững

Theo chị Rcom Bình Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ia Rbol, Fargreen đã mang đến quy trình sản xuất nấm sạch và chuyên nghiệp, vừa tận dụng được nguồn phế phẩm rơm rạ tại địa phương, vừa đem đến nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Phế phẩm sau khi thu hoạch nấm được tái sử dụng để bón ruộng, giúp cải tạo đất. Nhận thấy mô hình chị H'Nhi làm có nhiều tiềm năng phát triển, một số đoàn viên, thanh niên tại buôn đã học tập, làm theo. Đến nay, mô hình đã thu hút 10 đoàn viên cùng tham gia. Không chỉ nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chị H'Nhi còn là cầu nối nhận bao tiêu sản phẩm cho mọi người theo đúng giá thỏa thuận từ Công ty.

Được chị H'Nhi nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chị Nay HJri đã tận dụng gần 100 m2 chuồng heo bỏ không để làm trại nấm. “Từ khi có thêm nghề trồng nấm, cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn, mỗi tháng mình có thêm 2 triệu đồng trang trải chi phí sinh hoạt, nuôi con cái ăn học. Sản phẩm làm ra được Công ty thu mua nên mình rất yên tâm. Thời gian tới, nếu có điều kiện, mình sẽ mở rộng quy mô để nâng cao thu nhập”-chị HJri chia sẻ.

Bí thư Đoàn xã Ia Rbol cho hay: Vừa qua, Tổ trồng nấm đã được thành lập tại buôn Rưng Ma Nin nhằm tạo điều kiện cho các thành viên trao đổi kinh nghiệm và mở rộng liên kết sản xuất. Thời gian tới, với vai trò là xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất Ia Rbol, các thành viên Tổ hội nghề nghiệp sẽ được tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất nấm sạch, thu hút thêm thành viên, xây dựng đề án để kêu gọi đầu tư, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Bà Phạm Thị Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rbol-thông tin: “Hiện tại, chính quyền địa phương đã trưng dụng 2 phòng học cũ bỏ không cùng bãi đất trống của xã để các thành viên Tổ trồng nấm sử dụng làm trang trại, từng bước mở rộng mô hình, không chỉ có đoàn viên, thanh niên tham gia mà cả hội viên phụ nữ, nông dân đều có thể tham gia. Hạn chế của mô hình là công đoạn phơi, sấy thủ công, tự nhiên nên mùa mưa gặp khó khăn. Sắp tới, trên cơ sở hướng dẫn của các phòng, ban chuyên môn, chúng tôi gắn kết, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hệ thống máy sấy bằng năng lượng mặt trời”.

VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm