Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Cô gái tạo ra sản phẩm tiền triệu từ quả bơ như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhìn những quả bơ của người nông dân vất vả trồng nhưng thương lái thu mua với giá rất thấp, thậm chí có nhiều vườn còn đổ bỏ, thế là một cô gái ở Đắk Lắk sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ đã nộp đơn xin nghỉ việc và tập trung nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm tiền triệu từ quả bơ.
Đó là chị Phạm Thị Thu Hằng (36 tuổi) từng là giáo viên bộ môn sinh học Trường THPT Phan Đình Phùng (H.Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Nay cô giáo ấy rời bục giảng trở thành giám đốc công ty chuyên sản xuất những dòng sản phẩm tiền triệu từ quả bơ.
Gian nan hành trình khởi nghiệp

Dự án khởi nghiệp của Phạm Thị Thu Hằng (thứ 2 từ phải sang) đã tạo được đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân trồng bơ
Dự án khởi nghiệp của Phạm Thị Thu Hằng (thứ 2 từ phải sang) đã tạo được đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân trồng bơ
Là người con của núi rừng Tây nguyên, lớn lên dưới gốc bơ, nên tình yêu với quả bơ đã in sâu trong tiềm thức. Nhiều năm trước, quả bơ có giá trị kinh tế khá cao, vì thế người dân trồng rất nhiều, từ chuyên canh cho đến xen canh bạt ngàn. Người thân xung quanh chị Hằng cũng vậy, lúc đó cô giáo trẻ cảm thấy lo sợ: “Mình suy nghĩ liệu rằng rồi 3 năm tới, khi bơ bắt đầu rộ lên thu hoạch trên 5 tỉnh Tây nguyên, thì tiêu thụ ở đâu cho hết. Hàng ngàn héc ta bơ chứ đâu có ít. Có cách nào nữa không, liệu bơ quả có thể làm gì nữa không? Gieo vào đầu mình suy nghĩ là bơ quả không thể chỉ có ăn quả tươi mà còn có thể làm điều gì đó khác đi, và mình muốn thử, dù không được cũng phải thử”.
Nghĩ là làm, chị Hằng bắt tay vào nghiên cứu tài liệu và tìm kiếm thêm sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, rồi bắt đầu mày mò chế biến, bỏ tiền thu mua quả bơ tươi gửi đi thử sản xuất theo nhiều phương pháp khác nhau.
“Kết quả thử nghiệm trả về khá thê thảm, bột bơ đắng ngắt, kem bơ không nuốt nổi, bơ sấy dẻo vừa đắng vừa hôi. May sao có một chút thành công ở dầu quả bơ, từ điểm sáng nhỏ này mình bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về dầu bơ và nhận thấy rằng đây là một tiềm năng rất lớn. Nhưng giá thành của dầu bơ sản xuất ra rất đắt, đắt đến mức không thể mua ăn được”, chị Hằng kể.
Cô giáo trẻ lại tiếp tục nghiên cứu, nếu dầu đắt mà không thể mua để ăn được thì xoay chuyển dầu bơ trở thành sản phẩm dưỡng da cho phụ nữ.
“Ngay sau đó, mình tiến hành cho thiết kế bao bì, in ấn rồi đưa sản phẩm ra thị trường, rất hào hứng và cũng được nhiều người đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng thì chững lại, lượng hàng bán ra rất ít, thu không đủ bù chi. Dù rất buồn và tiếc nhưng phải đành tạm ngừng lại dự án để tìm hiểu kỹ lại nguyên nhân thất bại”, cô giáo trẻ nhớ lại chặng đường gian nan khởi nghiệp.
Bố mẹ giận cả tháng trời vì quyết định nghỉ việc
Vì chỉ là giáo viên, kiến thức kinh doanh không có, kinh nghiệm cũng không, chị Hằng nhận thấy cần phải học thêm về kinh doanh nhiều hơn. Thế là ngày ngày đi dạy, cuối tuần lại khăn gói vào TP.HCM tham dự các lớp học về kinh doanh, đồng thời học thêm về các lớp nghiên cứu mỹ phẩm, cứ như vậy thời gian học kéo dài suốt gần 1 năm.

Từ những quả bơ với vẻ ngoài xấu xí, bị ép giá, cô gái đã tạo ra sản phẩm tiền triệu. Ảnh: NVCC
Từ những quả bơ với vẻ ngoài xấu xí, bị ép giá, cô gái đã tạo ra sản phẩm tiền triệu. Ảnh: NVCC
“Sau đó mình mới nhận ra sản phẩm mỹ phẩm mà chỉ mỗi dầu quả bơ thôi chưa đủ, từ kiến thức đã học, mình tìm tòi nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới từ quả bơ, đa dạng sản phẩm để khách hàng có nhiều lựa chọn. Mình cũng tích cực tham gia nhiều hội nhóm kết nối khởi nghiệp ở trong tỉnh, tham gia nhiều cuộc thi khởi nghiệp nhằm học hỏi cũng như là kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ và dìu dắt lẫn nhau”, chị Hằng kể.
Chị cũng cho biết thêm tham gia vào các chương trình hội nghị, hội chợ kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh để tiếp cận gần hơn với khách hàng, cũng như xây dựng thương hiệu và tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng. Từ đó, nhận được nhiều tín hiệu lạc quan và hiểu thêm về nhu cầu khách hàng.
Năm 2019, chị Hằng nhận thấy không thể làm tốt cả hai công việc cùng lúc. Rất thích đi dạy, vì đó là chuyên ngành của mình được đào tạo chính quy và ở đó có những cô cậu học trò hồn nhiên trong sáng.
“Nhưng cuối cùng mình lựa chọn nghỉ dạy vì mình còn trẻ và mong muốn tột bậc là được làm điều gì đó cho quê hương đất nước, cống hiến sức lực của mình cùng xây dựng quê nhà. Trăn trở nhiều đêm, cuối cùng cũng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Ngày mình cầm quyết định nghỉ việc, bố mẹ buồn giận cả tháng trời”, chị Hằng nhớ lại.
Với quyết tâm và những nỗ lực, đến nay công ty của chị Hằng đã có hơn 40 đại lý ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Sản lượng tiêu thụ bơ quả đã lên đến gần 20 tấn/năm và đang từng bước nghiên cứu để có thể đưa dầu quả bơ trở thành dầu thực phẩm, góp phần tiêu thụ sản lượng bơ tươi đang ngày một tăng lên.
Tạo ra sản phẩm tiền triệu từ quả bơ
Theo chị Hằng, bơ quả của người dân khi trồng sẽ chia thành 2 loại. Loại quả to, da bóng đẹp sẽ được bán quả tươi với giá trị cao. Loại quả nhỏ, da hơi nám không được thị trường ưa chuộng, đa số phải bán thốc bán tháo với giá rất rẻ, mặc dù chất lượng so với loại quả bóng đẹp không khác là bao. Công ty của chị Hằng đang thu mua loại quả xấu này với giá cao hơn thị trường và mong muốn trong thời gian tới, khi ổn định về công nghệ sản xuất thì có thể tiến tới thu mua cao hơn nữa, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập.
Từ những quả bơ có vẻ ngoài không bóng đẹp, bị thương lái thu mua giá rẻ, chị Hằng đã tạo ra những sản phẩm tiền triệu. Chẳng hạn như 1 chai dầu bơ giá bán lẻ 120.000 đồng/chai 10 ml, tức 1 lít dầu bơ sẽ là 12 triệu (tính theo giá bán lẻ). Tất cả các sản phẩm của Pơ Lang đều đã được kiểm định ở Viện Công nghệ sinh học thuộc Trường ĐH Tây Nguyên và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quatest 3 TP.HCM, cũng như được Sở Y tế Đắk Lắk cấp giấy công bố sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường.
Theo Nữ Vương (TNO)

Có thể bạn quan tâm