Nhờ khu homestay, Hường tập trung phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương.
Vượt qua hoàn cảnh
Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, Hà Thị Hường chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên tại chính thung lũng Mai Châu. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống và đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn.
Vào những năm 2008, phong trào du lịch phát triển ở Mai Châu, Hường cảm nhận được cơ hội làm du lịch và quyết tâm học tiếng Anh để kiếm việc làm trong lĩnh vực du lịch.
“Học xong cấp 3, em đã thi tuyển vào khoa Tiếng Anh (Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình). Khi tốt nghiệp ra trường cũng là lúc Mai Châu phát triển mạnh ngành du lịch và em đã xin được công việc hướng dẫn viên du lịch với thu nhập ổn định, lo trang trải tốt cho cuộc sống và đỡ đần bố mẹ”, Hường chia sẻ.
Trong quá trình làm việc, với sự thông minh, chịu khó, từ hướng dẫn du lịch Hường được giao quản lý nhà hàng. Tuy công việc đạt được thành công nhất định, nhưng Hường muốn dấn thân tạo một lối đi của riêng mình vững chắc để phát triển sự nghiệp và có đóng góp cho bản làng mình.
Năm 2017, Hường đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp mở homestay. “Bắt đầu khởi nghiệp, tôi đã xác định mục tiêu kinh doanh thu hút khách hàng nước ngoài thích khám phá hoặc các bạn trẻ, các bạn sinh viên. Rất may hướng đi đó đã phát huy hiệu quả nhanh chóng, năm đầu tiên đã mang về lợi nhuận kha khá”, Hường cho biết.
Với mong muốn đem đến cho du khách cảm giác thoải mái, Hường xây dựng homestay, các nhà sàn mang đậm chất văn hóa dân tộc Thái. Phía sau khu nghỉ là rừng trúc, trước mắt hướng mặt ra cánh đồng ruộng bậc thang tạo nên không gian thoáng mát.
Khách du lịch được thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc Thái. |
Khôi phục nghề truyền thống
Hường cho hay, Mai Châu chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nghề nghiệp chỉ thuần nông mỗi năm 2 vụ lúa, còn nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng nhưng bị mai một dần vì khó khăn trong khâu tiêu thụ.
“Các sản phẩm thổ cẩm quê em rất tinh xảo và mang đậm chất bản địa, nhưng chưa được quan tâm quảng bá, không được tiêu thụ rộng rãi”, Hường nói.
Du khách được hòa mình vào thiên nhiên. |
Từ homestay của mình, Hường đã quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách hàng nước ngoài, qua đó nhiều khách hàng biết, ưa chuộng sản phẩm dệt thổ cẩm của Nà Phòn. Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, Hường xây dựng một nhóm sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống trong bản.
Nhóm sẽ tập hợp các chị em có tay nghề giỏi về nghề dệt. Sản phẩm làm ra, Hường chịu trách nhiệm quảng bá và tiêu thụ giúp chị em. Chị Hà Thị Lam, nhóm dệt thổ cẩm Nà Phòn nói: "Phụ nữ ở Nà Phòn rất khéo tay, dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp, nhưng chúng tôi không biết quảng bá, không tìm được đầu ra, nên chị em lần lượt bỏ nghề. Khi Hường quảng bá sản phẩm, tìm được nơi tiêu thụ, giúp chị em khôi phục nghề dệt, tăng thu nhập".
Du khách đến với homestay cũng được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật truyền thống của đồng bào Thái. |
Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng mong muốn được tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Thái bản địa, Hường xây dựng các tour du lịch như: đạp xe khám phá, kết hợp trải nghiệm dệt thổ cẩm, hướng dẫn khách làm cơm lam, đan vòng đeo tay, tổ chức đội văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách...
Chị Hà Thị Thương, hướng dẫn viên du lịch của Little Mai Chau Homestay cho biết, trước đây gia đình chị chỉ một năm làm hai vụ lúa, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi làm việc cho Hường, hướng dẫn khách đi tham quan trải nghiệm, thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, giúp đời sống của gia đình chị được nâng cao.
Hà Thị Hường (ở giữa) chụp ảnh cùng du khách. |
Hà Thị Hường bật mí, homestay của cô hàng năm đạt doanh thu trên 500 triệu đồng. Homestay có 4 lao động với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hường liên kết với 5 lao động không thường xuyên làm hướng dẫn, đi tour theo ngày, các thợ dệt khoán tính công theo sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.