Chị Ngô Thị Kim Trúc là con gái đầu trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc. Từ nhỏ, sau mỗi giờ học, chị lại tha thẩn bên chân bố tại xưởng. Mùi thơm của gỗ, tiếng máy cưa, âm thanh đục đẽo và cả những hoa văn được bố chạm khắc trên gỗ đã trở thành một phần trong ký ức của chị, lớn dần thành niềm đam mê lúc nào không biết.
Tốt nghiệp THPT, thay vì bước chân vào giảng đường đại học, chị Trúc chọn các lớp học nghề về thiết kế nội thất, đặc biệt tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc tranh gỗ. “Điêu khắc gỗ là thể loại để lại nhiều ấn tượng cho tôi. Khi còn học THPT, tôi đã tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Những hình ảnh được chạm khắc khéo léo trên thớ gỗ khô cứng đã tạo nên bức tranh sinh động, đầy cuốn hút. Tôi cũng theo học thêm lớp thư pháp Việt để có thể kết hợp vào dòng tranh điêu khắc này”-chị Trúc chia sẻ.
Những bức tranh điêu khắc gỗ của chị Ngô Thị Kim Trúc mang đậm “hơi thở” của vùng đất Gia Lai. Ảnh: Trần Dung |
Nói về niềm đam mê của con gái, ông Ngô Đức Huệ cho biết: “Với năng khiếu cùng niềm đam mê cháy bỏng, sau một thời gian ngắn theo học cùng sự chỉ dẫn của tôi, Trúc đã nhanh chóng tiếp cận và cho ra những tác phẩm tranh điêu khắc gỗ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người”. Hàng ngày, chị Trúc ngồi tỉ mẩn với từng nhát dao, đục, khắc lên thớ gỗ. Chị sáng tạo ra những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, vân gỗ...
Chị Trúc cho biết: “Sau khi lên ý tưởng và vẽ ra một bức tranh hoàn chỉnh trên máy, tôi trực tiếp thực hiện các nét vẽ này trên gỗ qua phương pháp thủ công hoặc bằng máy CNC-máy điều khiển tự động các công cụ gia công. Từ đó tạo ra những chi tiết sống động, uyển chuyển cho bức tranh theo ý tưởng của mình. Nghề làm tranh điêu khắc này đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và óc sáng tạo không ngừng để mỗi bức tranh luôn có tính nghệ thuật”.
Được sự chỉ bảo của bố, Trúc nhanh chóng thực hiện được những tác phẩm tranh điêu khắc gỗ đầu tay. Ảnh: Trần Dung |
Chính sự sáng tạo của mình mà chị Trúc đã tạo ra nét riêng cho những bức tranh trên gỗ của mình. Không dừng lại ở những hình vẽ truyền thống về làng quê, tranh phú quý, tượng Phật, tượng con giáp…, chị còn đưa vào tranh gỗ những hình ảnh về vùng đất Gia Lai với núi lửa, hoa dã quỳ, thổ cẩm, lễ hội của người Jrai, Bahnar…
Ngoài ra, chị kết hợp các kiểu chữ thư pháp Việt vào tranh. Tùy vào độ tinh xảo và kích thước mà chị Trúc có thể làm trong vòng 4-10 ngày để hoàn thiện một tác phẩm. Mỗi bức có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng (tùy vào từng loại gỗ, kích thước, hình ảnh sắc nét, tính nghệ thuật). Trung bình mỗi tháng, chị có khoảng 5-8 đơn hàng. Là một người yêu thích nghệ thuật, anh Trần Văn Bình (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi khá ngạc nhiên khi một cô gái trẻ lại am hiểu và làm ra dòng tranh nghệ thuật này. Khi chọn mua tranh về treo trong nhà, tôi đã chọn những tác phẩm của Trúc bởi trong mỗi bức tranh, chúng mang hơi hướng của vùng đất Tây Nguyên”.
Hiện nay, chị Trúc đang ấp ủ dự định tiếp tục theo học các lớp về thiết kế để nâng cao tay nghề, chế tác ra những bức tranh điêu khắc gỗ 3D sống động, chân thực. Đặc biệt, chị mong muốn mình có thể lan tỏa tình yêu nghệ thuật này đến với các bạn trẻ trên địa bàn bằng việc tiến tới thành lập câu lạc bộ tranh khắc gỗ kết hợp thư pháp Việt. Anh Đặng Đình Tấn-Bí thư Đoàn thị trấn Phú Hòa-cho biết: “Ngô Thị Kim Trúc là một cán bộ Đoàn của thôn 2 năng nổ, nhiệt huyết và có nhiều đóng góp cho phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương. Trúc cũng là tấm gương sáng về điển hình thanh niên lập thân, lập nghiệp. Hy vọng, thời gian tới, Trúc tiếp tục phát triển và thu hút được các thanh niên trên địa bàn có cùng niềm đam mê”.