Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Cô gái Việt bỏ Paris về Tây Nguyên khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 10 năm du học và làm việc ở trời Âu, cô gái trẻ Tyna Giang với giấc mơ 'tìm kiếm sự hòa hợp vĩnh hằng giữa con người và thiên nhiên' đã quyết định trở về Việt Nam làm nông nghiệp hữu cơ ở tuổi 33.

"Làm đúng chuyên ngành" có lẽ không thể thoát khỏi tư duy của mỗi sinh viên, đặc biệt là các du học sinh. Cũng dễ hiểu bởi sau nhiều năm dùi mài kinh sử, không ai muốn bỏ phí kiến thức để mạo hiểm làm một công việc hoàn toàn mới mà mình chẳng hề biết.

 

Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Biophap - Huỳnh Đinh Tyna Hà Giang.
Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Biophap - Huỳnh Đinh Tyna Hà Giang.

Ấy vậy mà Huỳnh Đinh Hà Giang (Tyna Giang) đã quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ sau 10 năm sống, học tập và làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách sạn tại những nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Sắp xếp lại các gói sản phẩm mẫu trưng bày tại sự kiện Gặp gỡ Châu Âu (Meet Europe 2018) tại khách sạn Melia, Hà Nội, Tyna Giang cảm thấy tự hào khi sản phẩm của công ty Biophap do cô làm giám đốc điều hành và đồng sáng lập được công nhận là sản phẩm vừa mang lại chất lượng cho người tiêu dùng lại phù hợp với việc phát triển bền vững với người nông dân địa phương và bảo vệ môi trường.

Được biết, dự án đầu tiên của Biophap với người Bahnar đã mang lại hơn 1 tấn bột nghệ và bột gừng được chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA, JAS, AB, Fair for Life, được thu hoạch và chế biến bởi phương pháp thủ công.

Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt được hạng cao nhất trong cuộc thi “100 dự án chống lại biến đổi khí hậu” được tài trợ và tổ chức bởi Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển của Pháp năm 2016.

Giữa tháng 2-2018, Biophap là một trong bảy doanh nghiệp trong Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) tham dự hội chợ - triển lãm ngành hàng thực phẩm hữu cơ hàng đầu thế giới Biofach được tổ chức tại Đức.

Hiện nay, Biophap chủ yếu sản xuất các sản phẩm gia vị và dược liệu được cấp giấy chứng nhận hữu cơ quốc tế với mô hình nông lâm kết hợp trồng xen cây lâu năm và cây ngắn ngày. Sau ba năm sáng lập không có lợi nhuận, giờ đây Biophap đang bắt đầu cho ra những quả ngọt đầu tiên.

‘Là người Việt, mình thích ăn nước mắm’

 

Biophap tại hội chợ - triển lãm Biofach.
Biophap tại hội chợ - triển lãm Biofach.

Năm 2003 sau khi học ngành tin học quản lý ở Đà Nẵng, với mong muốn khám phá thế giới, cô gái trẻ sinh năm 1982 đã sang Paris học ngành khoa học kinh tế và sau đó học quản trị kinh doanh khách sạn tại trường Vatel Pháp tại Argentina.

Trong 10 năm sống và làm việc tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á, Tyna Giang có cơ hội được trao đổi văn hóa, ẩm thực, các hoạt động cộng đồng với người bản địa và điều đó giúp cô gái trẻ cởi mở hơn về tri thức cũng như cảm xúc. Chính những kinh nghiệm sống này đã giúp Tyna Giang kết nối sâu sắc hơn với bản thân và được truyền cảm hứng trong việc khám phá lại cội nguồn với một triết lý sống lành mạnh và văn hóa Việt "thích ăn nước mắm".

Năm 2015, cô quyết định rời Paris hoa lệ về vùng đất cao nguyên Kon Tum để phát triển nông nghiệp bền vững với người nông dân địa phương. Tyna Giang tâm niệm, làm kinh doanh phải mang lại những đóng góp tích cực cho môi trường và xã hội bên cạnh mục tiêu về kinh tế.

Và đó chính là lý do tại sao Biophap – một doanh nghiệp xã hội tiên phong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ được thành lập. “Bio” nghĩa là hữu cơ trong tiếng Pháp và “Phap” nghĩa là nước Pháp trong tiếng Việt, Biophap là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa của những thành viên sáng lập.

Chia sẻ về quyết định quay lại Việt Nam làm nông nghiệp hữu cơ, Tyna Giang cho biết tại thời điểm đó, cô nhận thấy Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, có một thị trường trẻ và lực lượng lao động cũng rất trẻ. Nông nghiệp Việt Nam mặc dù chưa được chuyên môn hóa như tại các nước phát triển ở Châu Âu nhưng bù lại, người nông dân Việt Nam rất cần cù, chịu khó và rất cởi mở, sẵn sàng thay đổi.

Mặc dù đến tận 2015 mới thành lập công ty ở Việt Nam nhưng Tyna Giang đã bắt đầu xây dựng kế hoạch cho hệ sinh thái của công ty trước đó hai năm. Từ đó đến nay, kế hoạch kinh doanh cũng thay đổi khá nhiều, đặc biệt là trong việc chọn giống cây trồng và chiến lược phát triển cho phù hợp với địa phương và khách hàng quốc tế.

Trải lòng về hành trình ba năm mang sản phẩm Việt đến với triển lãm thực phẩm hữu cơ hàng đầu thế giới, Tyna Giang cho biết cô đã phải vượt qua không ít gian nan, đặc biệt là những bước đi đầu tiên hết sức khó khăn trong việc tìm người có cùng chí hướng để phát triển bền vững vì ngay từ đầu cô chỉ mới làm vì đam mê trong khi không có chuyên môn về nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ.

Lúc mới về Kon Tum, cô chỉ có dưới năm người cộng sự nhưng đến nay đã tăng lên con số hơn 40 bạn trẻ nhiệt huyết và luôn tạo động lực cho nhau; đấy là chưa kể nông dân và người lao động thời vụ. Tyna Giang cho biết đã mất khá nhiều thời gian để cho mọi người thấy được ý tưởng của cô và tiềm năng hiện thực hóa ý tưởng đó.

 

Mỗi bạn trẻ ở Biophap luôn thực hiện cuộc sống xanh trước khi lan tỏa đến mọi người.
Mỗi bạn trẻ ở Biophap luôn thực hiện cuộc sống xanh trước khi lan tỏa đến mọi người.

Ba năm không “hái quả”

Khởi nghiệp tại Kon Tum và Gia Lai, cô gái trẻ Tyna Giang cùng các cộng sự của mình đã phải vượt qua không ít khó khăn trong ba năm qua để có thể chạm đến “ngày hái quả” hôm nay.

Tyna Giang cho biết, cây hữu cơ lâu năm chưa thể cho ra sản phẩm trong mấy năm đầu nhưng chi phí đầu tư, nghiên cứu và phát triển lẫn đào tạo lại cao.

Xét về chính sách ở vùng sâu vùng xa, sự quy hoạch của từng vùng, các thủ tục, chính sách cũng như việc quản lý thông tin không được như ở các thành phố lớn, dẫn đến chi phí quản trị của doanh nghiệp cao.

Tyna Giang tiết lộ, lúc mới thành lập, công ty hoạt động dựa trên nguồn vốn của các đồng sáng lập là chủ yếu. Qua một thời gian thực hiện, hai dự án của Biophap đã được ngân hàng Agribank đồng ý hỗ trợ; mục tiêu của Biophap trong sáu tháng tới là sẽ gọi vốn ở thị trường châu Âu.

Đứng trên quan điểm của ngân hàng hay các nhà đầu tư, Tyna Giang cho rằng doanh nghiệp muốn vay hay gọi vốn cần phải cho họ thấy được chiến lược rõ ràng, quản lý minh bạch và tuân thủ pháp luật của công ty trong bất kỳ thị trường nào.

“Do tầm nhìn công ty Biophap là phát triển địa phương và quốc tế, nên chúng tôi có điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn các hộ nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là sự rõ ràng trong mục đích vay và sử dụng vốn, cho dù với quy mô nhỏ hay lớn và đó là điều kiện tiên quyết để kinh doanh thành công và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, Giang chia sẻ.

Ngoài ra, lúc cô mới về Việt Nam đầu tư, các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp hữu cơ tại Kon Tum và Gia Lai đều chưa có nên công ty của cô cũng mất nhiều thời gian hơn trong việc làm quen với các thủ tục địa phương.

Nhưng thách thức lớn hơn chính là đào tạo nhân sự và thay đổi nhận thức của người nông dân.

Biophap xây dựng chuỗi giá trị với cây tiêu từ trồng trọt, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Để có thể đi xa hơn khi đặt mục tiêu phát triển hàng đầu cho chất lượng của sản phẩm và đạo đức trong kinh doanh với các chứng nhận quốc tế AB (Châu Âu), JAS (Nhật Bản), USDA (Hoa Kỳ) và Công bằng cho cuộc sống (Fair For Life), bắt buộc phải có nguồn nhân lực địa phương có thể sử dụng tốt tiếng Anh để làm việc cùng với các kỹ thuật viên người Châu Âu và các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, không có nhiều bạn trẻ ở địa phương sử dụng tốt tiếng Anh, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, khó khăn trong công tác đào tạo con người cũng đã được Tyna Giang và cộng sự của mình tập trung giải quyết; không chỉ về mặt ngôn ngữ mà còn về thay đổi tư duy, thích nghi và giữ động lực cho các bạn trẻ Việt để sau này họ có thể phát triển nông nghiệp hữu cơ trên mảnh đất của chính họ.

Dự án đầu tiên của Biophap kết hợp với bà con dân tộc thiểu số tại huyện Kon Rẫy là một trong những ví dụ cho thấy thách thức lớn về thay đổi thói quen canh tác lâu đời của bà con người dân tộc thiểu số như đốt rừng làm nương rẫy và chưa nhận thức rõ về tính bền vững trong sản xuất cũng như chưa tiếp xúc với các quy chuẩn nghiêm ngặt và khắt khe của các thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, những tính toán và đầu tư dài hạn trong việc khuyến khích người dân địa phương phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất với quy mô lớn hơn hướng đến xuất khẩu thay vì chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ như trước đây cũng hết sức được chú trọng.

‘Tôi làm với tất cả niềm tin và đam mê’

Người làm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam không nhiều nhưng các doanh nghiệp đã phát triển các sản phẩm hữu cơ ở các nước châu Á và trên thế giới cũng không hề ít. Đây có thể được xem là những đối thủ của Biophap khi hướng đến thị trường quốc tế. Dù vậy, Tyna Giang cho biết Biophap có những thế mạnh riêng để có thể cạnh tranh được trên thị trường Việt Nam cũng như thị trường toàn cầu, đặc biệt nhờ cách xây dựng chuỗi giá trị cùng người nông dân.

Biophap trích 10% giá bán của sản phẩm vào quỹ phát triển với người nông dân địa phương để cùng phát triển làng hữu cơ. Việc này thể hiện qua cam kết và kiểm tra bởi chứng nhận Fair For Life.

Hiện nay Biophap đang sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được cấp chứng nhận quốc tế ngay từ khâu đầu vào cho đến sự minh bạch trong phân phối đến tay người tiêu dùng. Trong 5 năm tới sẽ tập trung chính vào cây tiêu, đây là sản phẩm mà hầu hết các thị trường đều có nhu cầu, trong đó có những thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu.

Để đạt được các mục tiêu này, việc nghiên cứu và phát triển nhằm đảm bảo kỹ thuật canh tác hữu cơ trên diện tích rộng, ứng dụng công nghệ tin học vào việc quản lý trang trại và thông tin kịp thời, sáng tạo trong cách chế biến sản phẩm đầu ra và tư vấn phù hợp để cùng phát triển với khách hàng đã được Tyna Giang và các cộng sự hết sức chú trọng.

Ngoài ra, phương pháp trồng nông lâm kết hợp (cây ngắn ngày được trồng xen cây lâu năm) giúp cho người nông dân có các khoản thu nhập khác nhau, khách hàng có nhiều sự lựa chọn và hệ sinh thái sinh học đa đạng bền vững.

Mặc dù ngay từ đầu Biophap đã hướng đến thị trường tiêu thụ toàn cầu, song doanh nghiệp này không chỉ chuyên vào xuất khẩu mà còn sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bởi lẽ Tyna Giang tin rằng người Việt cũng có nhu cầu cao về việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ.

“Với những điều này, tôi tin rằng những sản phẩm của chúng tôi sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế”, Tyna Giang tự tin chia sẻ.

Đối với Giang, con đường cô đang đi có muôn vàn chông gai nhưng cô luôn tin vào sản phẩm của mình bởi lẽ cô làm việc với tất cả niềm tin và đam mê.

“Nếu mình không tin mình thì sẽ chẳng có ai tin mình cả và nhiệm vụ của mình là truyền niềm tin đó đến người nông dân, đến những người cộng sự, chính quyền địa phương và đến những đối tác của mình thì mới có được niềm tin từ người tiêu dùng”, nữ lãnh đạo Biophap nhìn nhận.

Cũng trên con đường đầy chông gai ấy, Giang đã được tiếp thêm nhiều sức mạnh từ chính những người cộng sự của mình; họ đã cùng cô xây dựng nên một tập thể trẻ, mạnh và đầy nhiệt huyết.

“Một trong những bí quyết để tôi có thể giữ team của mình mạnh là bản thân mình phải tin vào cái mình làm và tuân thủ những nguyên tắc chung được đề ra. Nếu mình đi làm hữu cơ để tốt cho môi trường mà bản thân mình không tuân thủ, không bảo vệ môi trường thì rõ ràng không có sự thống nhất từ lời nói đến hành động; như vậy sẽ chẳng bao giờ hy vọng có được niềm tin từ bất cứ ai”, Tyna Giang khẳng định.

Được biết tại Biophap, một cuộc sống xanh luôn được thực hiện và lan tỏa nên các thành viên đều có những hành động cụ thể hằng ngày qua việc tập thể dục; hạn chế sử dụng những chất thải không phân hủy hữu cơ như nilon, nhựa; trau dồi bản thân qua việc học ngoại ngữ; đọc sách và giao lưu với địa phương qua các hoạt động cộng đồng.

Đối với Giang và những người cộng sự trong Biophap, hữu cơ không chỉ là một sản phẩm mà còn là cả một triết lý sống lành mạnh giúp cho con người và thiên nhiên gần nhau hơn.

Đặng Hoa/quantri

Có thể bạn quan tâm