Đó là Lê Thị Trang (34 tuổi) ở Đà Nẵng, cô gái Việt Nam duy nhất vừa được Quỹ hợp tác hỗ trợ các điểm nóng sinh thái (Critical Ecosystem Partnership Fund, CEPF) vinh danh là 1 trong 10 'Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học'.
Lê Thị Trang (bìa phải) tại khu vực bảo tồn rừng ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). ẢNH: AN QUÂN
Lê Thị Trang hiện là Phó giám đốc GreenViet (một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường), đã được cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học thế giới ghi nhận. Đặc biệt, Trang tham gia chiến dịch bảo vệ bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), bảo vệ quần thể voọc chà vá chân nâu lớn nhất và thu hút sự cam kết tham gia bảo tồn của các nhóm trong cộng đồng.
Lê Thị Trang trong chương trình truyền thông bảo vệ đa dạng sinh học thực hiện tại một trường học
Tác giả của những chương trình trải nghiệm
Trang bước chân vào hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã từ hơn chục năm trước, khi còn là kỹ sư môi trường, với hoạt động điều tra thực trạng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm ở 6 tỉnh miền Trung Việt Nam. Trang nhận thấy việc mua bán động vật hoang dã thực chất vẫn là “chuỗi” tiêu thụ ở những thành phố lớn, vì vậy, chỉ có hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức người dân ở các thành phố mới có thể thay đổi được “chuỗi” thảm họa này.
Hoạt động bảo tồn luôn cần sự quan tâm của những người trẻ có kiến thức, nhiệt huyết, yêu thiên nhiên… Các nhóm thanh niên quan tâm đến môi trường, chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, xử lý rác thải nhựa, trồng cây xanh… ở Việt Nam cũng tăng lên nhiều LÊ THỊ TRANG |
Trang và các cộng sự trong lĩnh vực bảo tồn bắt tay xây dựng những chiến dịch truyền thông công chúng, nhằm đưa kiến thức về thực trạng các loài động vật hoang dã của Việt Nam đến cộng đồng. Những kiến thức chuyên sâu, thông điệp về giá trị của các hệ sinh thái trọng yếu của Việt Nam do Trang cùng nhóm nghiên cứu của GreenViet thực hiện đã đến với người dân Đà Nẵng và miền Trung, phần nào thay đổi dần thái độ, nhận thức của họ...
Dù tích cực tăng cường ý thức cộng đồng, Trang nhận ra hoạt động này vẫn rất hạn chế trong môi trường giáo dục, đặc biệt là việc đưa các kiến thức bản địa về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên của địa phương vào giảng dạy cho học sinh. Chính vì vậy, Trang và GreenViet đã dành hơn 6 năm để nâng cao nhận thức cộng đồng người dân Đà Nẵng về giá trị của tài nguyên thiên nhiên ở bán đảo Sơn Trà như nhặt rác, bảo vệ môi trường, bảo vệ voọc chà vá chân nâu quý hiếm…
Đó là những chương trình giáo dục sáng tạo và đa dạng cho nhiều lứa tuổi như hành trình “Tôi yêu Sơn Trà”, giúp người dân tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của Sơn Trà và sự quý hiếm của tài nguyên đa dạng sinh học ở đây. Hay “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà” giáo dục trực quan sinh động về bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã dành cho các học sinh tiểu học. Đặc biệt là nỗ lực huy động đóng góp từ cộng đồng để xây dựng Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên Sơn Trà đầu tiên của Đà Nẵng (sát chân núi Sơn Trà), góp phần lan tỏa các thông điệp về đa dạng sinh học đến với hơn 5.000 lượt người dân, du khách mỗi năm…
Lê Thị Trang, 1 trong 10 “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” được vinh danh toàn cầu
Người truyền cảm hứng
Ông Jack Tordoff, Giám đốc quản lý CEPF, chia sẻ điểm chung của những anh hùng điểm nóng và các tổ chức phi lợi nhuận (nơi họ đang làm việc) là những đóng góp đáng nể trong việc bảo tồn các điểm nóng. Họ đại diện cho những người tận tâm, năng động, cống hiến nhằm đảm bảo hệ sinh thái nguyên vẹn có thể tiếp tục duy trì hệ thực vật, động vật và cung cấp không khí sạch, nước ngọt, đất lành, sinh kế bền vững, khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và hơn thế nữa. “Trang là trung tâm của chiến dịch Sơn Trà, mang lại sự năng động, sáng tạo và năng lượng không mệt mỏi. Các đóng góp của Trang và GreenViet là động lực, truyền cảm hứng cho chúng tôi”, ông Jack Tordoff nói.
Danh hiệu “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” vừa được trao hôm 22.5, nhân ngày đa dạng sinh học thế giới tại Virginia (Mỹ) cho 10 nhà bảo tồn đến từ các khu vực điểm nóng đa dạng sinh học (gồm Việt Nam, Jamaica, Brazil, Liberia, Fiji, Kenya, Indonesia, Mauritius, Pháp, Colombia). Những anh hùng này được lựa chọn từ hàng trăm tổ chức xã hội tại các vùng điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu. Hiện CEPF đang đồng hành cùng gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nỗ lực bảo vệ hơn 15 triệu ha trên tổng diện tích điểm nóng sinh thái, với gần 1.000 loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ và gần 3.500 cộng đồng hưởng lợi trong việc nâng cao năng lực, phát triển một cách bền vững. |
Hiện Lê Thị Trang trăn trở và đặt mục tiêu quan tâm, hướng đến là năng lực thực thi pháp luật trong bảo vệ rừng và các khu bảo tồn, các điểm nóng đa dạng sinh học. Trang cho biết có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thực thi pháp luật còn yếu, như sự chồng chéo của luật khiến cho việc thực thi pháp luật gặp nhiều trở ngại. Sự đầu tư cho lực lượng kiểm lâm và các lực lượng chuyên trách còn ít khiến họ không thể đảm bảo được các hoạt động bảo tồn.
“Hoạt động bảo tồn luôn cần sự quan tâm của những người trẻ có kiến thức, nhiệt huyết, yêu thiên nhiên. Nhiều năm qua, các bạn trẻ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu nói chung. Các nhóm thanh niên quan tâm đến môi trường, chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, xử lý rác thải nhựa, trồng cây xanh… cũng tăng lên nhiều. Tuy nhiên, bạn trẻ cũng cần quan tâm hơn nữa đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái bền vững”, Trang nói.
Với Trang, việc được vinh danh “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” không chỉ là niềm vui. Đó còn là sự khích lệ lớn lao trong nỗ lực hoạt động bảo tồn, lan tỏa tinh thần bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng và truyền cảm hứng đến bạn trẻ trong việc bảo vệ các quần thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
An Dy (Thanh Niên)