(GLO)- Mặc dù là giáo viên mới vào nghề, nhưng bằng tình thương yêu học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh (Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai) luôn được đồng nghiệp, học sinh tin yêu, quý trọng.
Ngày cô Quỳnh nhận quyết định phân công về dạy tại điểm trường làng Đút thuộc Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, bạn bè cô nửa đùa nửa thật: “Về Ia Lâu bắt châu chấu mà ăn”. Nghe vậy nhưng cô vẫn chưa hình dung ra những khó khăn của vùng đất này. Ngày đầu lên lớp, giấc mơ “cô giáo mặc áo dài trắng, các em học sinh với những bộ đồng phục gọn gàng, sạch sẽ” bỗng tan biến. Trước mặt cô giáo trẻ là điểm trường đơn sơ, học trò chân đất, quần áo xộc xệch, lấm lem.
Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh và học sinh trong một giờ dạy. Ảnh: Đ.D |
Trong lớp cô Quỳnh chủ nhiệm, Siu Tươi là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhà Tươi có 3 anh em, mẹ em mất từ lúc em mới 5 tuổi. Buồn vì vợ mất, bố em suốt ngày uống rượu, Tươi và 2 đứa em phải ở với ông bà ngoại tuổi đã ngoài 70. Là anh cả nên Siu Tươi một buổi đi học, một buổi lên rẫy để phụ giúp ông bà. Thương học trò nghèo, cô Quỳnh đã dành dụm để mua cho Tươi quần áo, giày, dép cho tươm tất.
Có lần, cô Quỳnh đến nhà học trò vào bữa ăn tối và chứng kiến cảnh nhà có 5 người mà chỉ có mỗi nồi cơm nhỏ, thức ăn chỉ là ít mắm, muối, lá mì luộc. Đôi mắt cô giáo cay sè, những giọt nước mắt cứ trào ra. Sau nhiều đêm mất ngủ, cô lên kế hoạch mỗi tháng dành tiền để mua 20 kg gạo cho 3 anh em Siu Tươi. Nhờ vậy mà cả 3 đều được cắp sách tới trường. Mỗi buổi lên lớp, trong cặp sách của cô giáo trẻ ngoài giáo án bao giờ cũng có thêm cái kéo, cái lược, cây kim, cuộn chỉ để hớt tóc cho học sinh, đính lại những hàng nút bị đứt do các em mải chơi đùa.
Tình cảm, sự gắn bó của cô giáo trẻ và các em học sinh trong lớp cứ lớn dần lên từng ngày. Học sinh đã đi học chuyên cần hơn. Nói về sự hỗ trợ của mình đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Quỳnh cho biết: “Thấy hoàn cảnh khó khăn của các em, tôi cũng như bao giáo viên khác nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm quan tâm, đồng hành giúp các em vượt qua khó khăn, cho các em niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào tương lai”.
Được Ban Giám hiệu nhà trường động viên, khuyến khích, cô Quỳnh và các đồng nghiệp đã thành lập được Quỹ khuyến học. Ban đầu quỹ chỉ huy động sự đóng góp tự nguyện của giáo viên trong trường nên còn hạn chế, mỗi năm từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Những năm gần đây, tấm lòng yêu thương học sinh của giáo viên nhà trường đã lan tỏa tới cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trong xã, nhờ vậy nguồn quỹ ngày càng lớn dần. Có những nhà giáo tận TP. Hồ Chí Minh cũng chung tay, góp sức để giúp học sinh nghèo nơi đây vượt khó. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mà mỗi năm có tới hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường được tặng xe đạp, sách vở và đồ dùng học tập. Em Hà Thị Diệp-lớp 4A3-cho biết: “Bố mẹ em bị bệnh nặng không thể lao động, nhà trường đã góp tiền, tặng học bổng để em có thể duy trì việc học. Em rất biết ơn các thầy cô”.
Thầy Lê Văn Hữu-Hiệu trưởng nhà trường-nhận xét: Từ việc làm của cô Nguyễn Thị Quỳnh, nhà trường đã vận động được rất nhiều cá nhân hảo tâm và các nhóm thiện nguyện hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ nguồn quỹ trên, mỗi năm nhà trường tổ chức được 2 đợt trao học bổng cho hàng trăm học sinh nghèo vượt khó, với số tiền khoảng 40 triệu đồng. Không chỉ giúp đỡ các em học sinh trong trường, Quỹ Khuyến học còn hỗ trợ thêm cho các em học sinh nghèo của các đơn vị trường học trên địa bàn xã.
Đỗ Doanh