Giáo dục

Tin tức

Cô giáo xinh đẹp "mách" bố mẹ cách kiềm chế cơn giận khi dạy con học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dạy con học nhưng mãi không nhớ, không hiểu khiến nhiều lúc bố mẹ muốn "bùng cháy", tăng xông.

Dạy con học tưởng chừng là việc làm quen thuộc của mỗi gia đình thế nhưng lại là những câu chuyện dở khóc, dở cười với phụ huynh. Ví dụ như dạy mãi chữ o, a, e… mà con không nhớ. Bố mẹ phát cáu không thể hiểu nổi vì sao dễ thế mà con cứ quên. Hay giảng đi giảng lại vài phép toán đơn giản mà sắc mặt con không hề thay đổi, ngây thơ "vô số tội" khiến 30 phút giảng giải của bố mẹ trở nên vô nghĩa.

Không ít cha mẹ rơi vào tình huống đầu muốn nổ tung, bùng cháy, tăng xông và tặng cho con một "tràng" trách móc, thậm chí nhiều bố mẹ quá nóng nảy, cho con "ăn đòn" thay vì học tiếp.

Vậy làm sao để đối mặt với cơn giận ập tới khi bố mẹ đang dạy con học?

 

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên lớp 1 ở Hà Nội. Ảnh: NVCC
Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên lớp 1 ở Hà Nội. Ảnh: NVCC


Là một cô giáo có kinh nghiệm dạy lớp 1, cô Lương Ngọc Anh, một giáo viên ở Hà Nội mách nước phụ huynh với 3 bước sau:
 

1. Khi cơn giận ập tới, hãy đối mặt

"Đối mặt" ở đây không phải là đối mặt với con. Khi cơn giận đến, hãy "Đối mặt" với chính mình. Hãy dành cho bản thân 10 phút ở một mình, hít thở thật sâu, để sự giận dữ và những cảm xúc đó hiện diện ngay trong tâm trí. Phụ huynh không nên trốn tránh hay cố trấn áp nó. Hãy cảm nhận nó để nhận ra bản thân mình đang thấy giận. Đối diện với chính mình là rất quan trọng! Bạn sẽ không bao giờ vượt qua được cơn giận nếu không biết mình đang giận.

 

2. Sau khi đối mặt, hãy nghĩ về nguồn gốc cơn giận

Hôm nay cha mẹ cảm thấy giận dữ khi dạy con học bài, là do những yếu tố bên ngoài tác động (công việc, gia đình, các mối quan hệ…) hay giận dữ vì con tiếp thu chậm, chưa đạt được yêu cầu cha mẹ mong muốn?

Nếu cơn giận đến từ những yếu tố bên ngoài, hãy giải quyết nó trước khi ngồi vào bàn dạy con học. Con không đáng đón nhận những cơn giận vô cớ của cha mẹ. Và vì bố mẹ là người lớn, xin hãy phân định được rõ ràng giới hạn của những vấn đề này. Không ai muốn mình là nạn nhân của một vụ "giận cá chém thớt" nào đó, phải không?

Nếu cha mẹ giận dữ vì giảng mãi một kiến thức mà con chưa hiểu, cơn giận này đến từ sự kỳ vọng của cha mẹ vào con. Phụ huynh mong nhiều hơn thế, nhưng vì con chưa đạt được đúng kỳ vọng nên cha mẹ nổi giận. Vấn đề lúc này là của cha mẹ, không phải của con. Chúng ta mãi mãi sẽ không bao giờ đạt được đúng như kỳ vọng của người khác. Và cũng không sống để hoàn thành kỳ vọng của ai. Vậy đừng áp đặt điều đó lên con.

3. Sau khi tìm được nguồn cơn, hãy giải quyết nó

Nếu do cha mẹ quá căng thẳng với cuộc sống và những gánh lo nên mới nổi giận khi dạy con, hãy dành thời gian reset bản thân mình.

Nếu bạn giận dữ vì giảng mãi mà con không hiểu bài, hãy vui vẻ chấp nhận. Tư duy của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Hãy tìm các phương pháp giảng bài dễ hiểu hơn, những cách khuyến khích con để con phát huy được hết khả năng của chúng. Cáu giận chưa bao giờ và không bao giờ là cách giải quyết tốt cho mọi vấn đề.

"Một điều quan trọng nhất là: Trong những lúc giận dữ, hãy biết ơn con. Biết ơn con đã cho bố mẹ cơ hội để đối mặt với cơn giận và giải quyết nó. Biết ơn con đã cho bố mẹ cơ hội để hoàn thiện chính mình. Biết ơn con đã luôn là những cô bé, cậu bé mạnh khỏe, bình an và ngoan ngoãn, để bố mẹ yên tâm lao động mỗi ngày. So với những điều đó, việc con chưa hiểu bài hôm nay, vẫn là chuyện nhỏ, không đáng để giận dữ", cô Ngọc Anh chia sẻ.

 


https://danviet.vn/co-giao-xinh-dep-mach-bo-me-cach-kiem-che-con-gian-khi-day-con-hoc-20220319074158251.htm

Theo Tào Nga (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm