Du lịch

Hành trang lữ hành

Cơ hội bứt phá cho du lịch Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiểu khách muốn gì, hiểu thị trường có gì và thực hiện kết nối làm gia tăng giá trị của điểm đến, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng là chìa khóa vạn năng mở ra cơ hội xuất khẩu tại chỗ cho Việt Nam- phát triển du lịch.
Ninh Thuận - Điểm đến mới hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư.
Câu chuyện từ thị trường khách Nga
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế. Con số này 10 tháng đầu năm nay là gần 13 triệu lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu khách nước ngoài đến Việt Nam 10 tháng đầu năm nay, tại thị trường Châu Á đứng đầu là khách Trung Quốc với hơn 4,1 triệu lượt người, sau đó là Hàn Quốc với hơn 2,8 triệu lượt. Tại thị trường Châu Âu, đứng đầu là dòng khách Nga với gần 500.000 người, sau đó là khách Anh với hơn 248.000 người…
Một trong những thành công trong 10 tháng đầu năm nay là dòng khách Nga tăng trưởng nhanh trở lại. Nếu cả năm 2017 khách Nga tới Việt Nam là khoảng 570.000 người thì cả năm nay, thị trường này đang hứa hẹn sẽ tăng trưởng khoảng 20- 30%.
Ít ai biết rằng trong số khoảng 500.000 khách Nga tới Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận năm 2017, đã có tới hơn 300.000 khách đến thông qua công ty thành viên Tập đoàn Crystal Bay. Năm nay, chỉ riêng thị trường khách Nga, tập đoàn này dự kiến sẽ mang về cho Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận lượng khách lên tới 360.000 lượt, tăng 20% so với năm ngoái.
Mới đây nhất, vào ngày 23/10 vừa qua, chuyến bay charter flight đầu tiên từ Nga của công ty thành viên Tập đoàn Crystal Bay đã hạ cánh tại Phú Quốc mở ra cơ hội mới cho du lịch Phú Quốc. Đều đặn mỗi ngày một chuyến như vậy, trung bình mỗi tháng, Phú Quốc đón khoảng 6.000 khách Nga với thời gian lưu trú trung bình 12 đêm/người.
Để đáp ứng nhu cầu của hơn 300.000 khách Nga đến Việt Nam năm 2017, Tập đoàn này đang thuê trọn 18 máy bay charter flight chỉ chuyên chở khách Nga bay đi về với 1.300 chuyến bay trong năm 2017. Cũng trong năm ngoái, 3 triệu phòng/đêm đã được Crystal Bay thuê tại các Khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Nha Trang, Phan Thiết… phục vụ riêng dòng khách này.
Khách Nga đứng đầu tại thị trường Châu Âu trong cơ cấu khách nước ngoài đến Việt Nam.
Mặc dù đứng sang dòng khách Nga tăng trưởng ấn tượng nhưng kín tiếng như chính người đứng đầu – doanh nhân Nguyễn Đức Chi, Crystal Bay với 30 công ty thành viên của mình đang xây dựng một “hệ sinh thái” trong ngành du lịch bao gồm: vận tải hàng không, đường bộ, đường thủy, nghỉ dưỡng, mua sắm, vui chơi giải trí…
Bằng việc phát triển cùng lúc hai lĩnh vực bổ trợ tối đa cho nhau và cho cộng đồng gồm dịch vụ du lịch và đầu tư phát triển du lịch, Tập đoàn Crystal Bay khai mở thành công những tiềm năng du lịch mới của các địa phương, mang dòng khách lớn cho điểm đến, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch tại nhiều địa phương.
Dư địa tăng trưởng doanh thu du lịch
Năm 2017 là năm thành công của du lịch với tổng thu từ du lịch đạt 511.000 tỷ đồng tương đương 23 tỷ USD, tăng 27.5% so với năm 2016 và đóng góp khoảng 7.5% vào GDP của Việt Nam. Nửa đầu năm 2018, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22.5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mức thu từ khách du lịch của Việt Nam vẫn còn khá thấp cả về tổng thu và doanh thu trên mỗi du khách mặc dù nguồn tài nguyên văn hóa, tự nhiên của Việt Nam rất tiềm năng và nhiều dư địa để phát triển cho ngành du lịch.
Khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích chính là đi du lịch nghỉ ngơi (chiếm trên 70%). Theo cơ cấu trên tổng thu từ khách du lịch quốc tế năm 2017, chi tiêu cho ăn uống và lưu trú là hai khoản chi tiêu lớn nhất, lần lượt chiếm 22.3% và 27.7%.
Trong khi đó, chi tiêu cho mua sắm và dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí của khách du lịch còn khá thấp, chiếm 13.4% và 11.9%. Nếu so với các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí ở đây chiếm 40 - 50%, thậm chí đến 60 - 70% tổng chi phí cho chuyến đi.
Phú Quốc có cơ hội đón 6000 khách Nga mỗi tháng.
Để du lịch thực sự trở thành một ngành xuất khẩu tại chỗ, du khách vừa chi tiền sử dụng các dịch vụ, vừa mua sắm hàng hóa, hạ tầng phục vụ du lịch cần tăng cường hoàn thiện theo hướng đầu tư các trung tâm mua sắm, khu bán hàng miễn thuế, hoàn thuế, các khu vui chơi giải trí… Thực tế cho thấy ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.
Cùng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn với nhiều tên tuổi quốc tế như Accor, IHG, Marriott, Hilton, Intercontinental, Four Seasons,… nhiều nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Sun Group, CEO group… cũng tham gia cải thiện hạ tầng du lịch.
Số phòng khách sạn đạt chuẩn không ngừng tăng, các khu vui chơi giải trí quy mô lớn đi vào hoạt động, hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện, nhiều trung tâm du lịch mới được hình thành… trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Cơ hội cho ngành du lịch còn nhiều hơn nữa khi các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, được ban hành, đưa ngành này trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn thực sự.
Câu chuyện từ thị trường khách Nga cho thấy với những gì có sẵn và hạ tầng du lịch ngày càng hoàn thiện, nếu biết cách kết nối và đóng gói lại thành các sản phẩm tốt thì du khách sẵn sàng chi tiền và vì thế, dư địa tăng trưởng doanh thu du lịch của Việt Nam còn rất lớn.
Hà Thu (Vietnam Finance)

Có thể bạn quan tâm