Du lịch

Hành trang lữ hành

Khám phá nét đẹp mờ ảo tựa chốn bồng lai của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên đỉnh Bạch Mã, mờ ảo tựa chốn bồng lai, quanh năm mây mù bao phủ, du khách sẽ được tĩnh tâm nơi cõi Phật, được thăm thú, trải nghiệm thiên nhiên.

Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Bạch Mã là ngôi thiền viện đầu tiên tại miền Trung, tọa lạc tại núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ở độ cao 1450m, cách Biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ thường từ 19-21độ C, Bạch Mã được xem là một trong những vùng khí hậu lý tưởng. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng Hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt.

Người sáng lập và xây dựng thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tại Huế là Tôn sư Thượng Thanh Hạ Từ. Ở khu vực miền Trung, đây là thiền viện đầu tiên có nguồn gốc từ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ phía sau thiền viện. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nhìn từ phía sau thiền viện. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Vào những năm 1932, một nhà thám hiểm người Pháp đã khám phá ra hai điểm đến độc đáo tại Huế đó là đập Truồi và núi Bạch Mã. 13 năm sau đó, thành phố Bạch Mã được xây dựng với hơn 140 ngôi biệt thự sang trọng, mang lại cho vùng đất này một vẻ đẹp kiến trúc độc đáo theo phong cách Pháp. Đồng thời, các công trình công cộng cũng được xây dựng đầy đủ, bao gồm bưu điện, đường, trường học, trạm, chợ và nhiều tiện ích khác, phục vụ cho đời sống của cộng đồng địa phương.

Trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất này tưởng chừng như đã dần chìm vào quên lãng, mọi thứ chỉ còn tồn tại trong ký ức của người dân xứ Huế. Tuy nhiên ngày nay, Bạch Mã đang từng bước trỗi dậy mạnh mẽ với một diện mạo mới, cùng với khu du lịch thiền viện Trúc Lâm Huế đã góp phần tạo thêm sức sống cho vùng đất tâm linh này.

Khám phá kiến trúc thiền viện

Khuôn viên chùa được chia thành 3 khu vực chính gồm ngoại viện, tăng viện, ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ. Công trình này được xây dựng rất bề thế nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thoát tục tọa lạc giữa hồ Truồi, thuộc dãy núi Bạch Mã.

Cổng tam quan của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Cổng tam quan của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Vượt qua lòng hồ Truồi mênh mang sóng nước, độ chừng mươi chục phút, bằng những con xuồng nhỏ, sẽ đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Bước lên khỏi 172 bậc tam cấp làm bằng đá là cổng tam quan của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Cổng tam quan ở thiền viện bao gồm một cổng chính và hai lối đi phụ. Mỗi lối đi đều mang ý nghĩa riêng, với lối đi phụ bên phải dành cho quan văn và lối đi nhỏ bên trái dành cho quan võ. Lối chính giữa chỉ dành cho bậc quân vương và chính khách được mời đến.

Đến với thiền viện, bạn còn được tận mắt nhìn ngắm tượng Phật Thích Ca khổng lồ đang an tọa trên đỉnh núi ở trước chùa. Công trình này để lại ấn tượng và mang dấu ấn rất sâu đậm với du khách thập phương vì vị trí tọa lạc giữa khung cảnh đậm chất linh thiêng. Tượng được làm bằng đá, có chiều cao lên đến 24m và nặng 1.500 tấn.

Tượng Phật Thích Ca trên ngọn đồi giữa hồ Truồi, trước thiền viện. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Tượng Phật Thích Ca trên ngọn đồi giữa hồ Truồi, trước thiền viện. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngoài ra, còn có những công trình kiến trúc của Thiền viện nằm ở phía bên kia hồ, ẩn hiện trong màn sương khói được bao quanh là mây mù phiêu lãng rất mơ màng.

Qua khỏi khu ngoại viện chính là nơi điện thờ chính. Nơi đây thờ đức Phật tổ đang an tọa ở dưới gốc cây bồ đề. Sau chính điện là khu vực thờ Tổ sư Đạt Ma. Tăng viện là nơi tu hành của các phật tử và tu sỹ là nam giới, còn Ni viện lại là nơi chuyên tu của phật tử và tu sỹ nữ giới.

Bên trong Đại Hùng Bảo Điện của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Bên trong Đại Hùng Bảo Điện của thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Không chỉ có khung cảnh đẹp nên thơ hữu tình, không khí mát lạnh, trong lành, Thiền viện còn là nơi hội tụ tuyệt tác nghệ thuật của Phật giáo. Từ những họa tiết trang trí tinh xảo đến những mái chùa cổ kính. Gác chuông ở nơi đây được thiết kế theo lối kiến trúc đậm chất Á Đông, bao gồm 2 tầng và 8 mái cong.

Gác chuông được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa, với hai tầng và tám mái cong đầu đao. Khắp nơi trang trí hoa cành và hình rồng vô cùng sống động, khiến du khách không thể rời mắt.

Nên đến thăm thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã khi nào?

Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch tới Huế và muốn khám phá thiền viện, bạn nên đến đây vào mùa Hè. Thời điểm này sẽ cho bạn cơ hội tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của chốn thiêng trên dãy núi Bạch Mã.

Nếu bạn là người yêu thích sự lãng mạn và muốn có thêm trải nghiệm khác lạ thì có thể ghé thăm thiền viện vào mùa Đông. Bạn đừng quên mang theo áo ấm, khăn choàng cổ, áo khoác chống thấm để tránh bị lạnh làm ảnh hưởng đến chuyến đi.

Khi đến tham quan thiền viện bạn cũng có thể kết hợp với các tour du lịch khác như trải nghiệm Vườn quốc gia Bạch Mã, thưởng ngoạn hồ Truồi, tận hưởng sự yên bình, thanh tịnh của chốn rừng thiêng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé qua các điểm du lịch Huế gần đó như Vũng Thùng, Hợp Hai, Ba Trại… để đắm chìm trong những làn nước mát. Khi đến Truồi, bạn nhất định phải thử các món ngon đặc sản Huế nổi tiếng như: bánh lọc, thanh trà, mít thơm, cá suối tươi ngon.

Du khách tham quan thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Du khách tham quan thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm