Kinh tế

Doanh nghiệp

Cơ hội kết nối, hợp tác đầu tư với Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh, Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022” dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 23-5 tại TP. Pleiku được xem là cơ hội để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản.

Tại buổi trao đổi thông tin với doanh nghiệp Nhật Bản về Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022” mới đây, ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ đã thông tin về tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu thuận lợi của tỉnh cũng như nền văn hóa giàu bản sắc mang đậm dấu ấn của người Tây Nguyên. Đặc biệt, Gia Lai đang trên đà phát triển bền vững, trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, là nơi gặp gỡ của sự phát triển, hứa hẹn trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực Tây Nguyên và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ thông tin về Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai và Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022”. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Nguyễn Tùng Khánh-Giám đốc Sở Ngoại vụ thông tin về Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai và Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022”. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo kế hoạch, Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022” gồm chuỗi các hoạt động đa dạng như: Hội thảo về tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư giữa Gia Lai và các địa phương của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; chương trình kết nối B2B giữa các doanh nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai) và doanh nghiệp Nhật Bản. Cùng với đó là các hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm Nhật Bản (song song với hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên-Gia Lai); chương trình khảo sát thực tế tới các cơ sở sản xuất kinh tế, các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai và các điểm du lịch đặc trưng của tỉnh dành cho các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
 

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025 là đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch. “Tỉnh cũng vừa ban hành kế hoạch hành động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm vượt qua khó khăn, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2022-2025. Để đạt được mục tiêu hồi phục kinh tế, tỉnh cần sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản”-Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết.

Thông tin về một số lĩnh vực, dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh đến các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Trong số 157 danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Gia Lai có đến 4 dự án gồm: khu nông nghiệp công nghệ cao (quy mô 500-1.000 ha); cao tốc quốc lộ 19 có chiều dài khoảng 180 km nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai và Bình Định; dự án du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya (quy mô kêu gọi đầu tư khoảng 6.000 ha); dự án khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ tại huyện Phú Thiện để thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh phát triển.

Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều danh mục dự án đầu tư khác mà các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham khảo, nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội hợp tác. “Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai-Nhật Bản 2022” thật sự là cơ hội kết nối, hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp Gia Lai và Nhật Bản. Chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế (Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh) cung cấp một số nhu cầu hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp đã và đang hợp tác đầu tư tại tỉnh, cũng như các doanh nghiệp của Gia Lai có ý định hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới”-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thông tin.

Trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm về điều kiện của các khu công nghiệp tại tỉnh, ông Nguyễn Đăng Khoa-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-thông tin: Gia Lai hiện có 3 khu công nghiệp, trong đó, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) rộng 230 ha, hiện đã lấp đầy; Khu Công nghiệp Nam Pleiku rộng khoảng 200 ha đang đầu tư cơ sở hạ tầng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động; Khu Công nghiệp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh rộng hơn 200 ha đang trong quá trình kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng và kế hoạch của tỉnh sắp tới là phát triển Khu Công nghiệp phía Đông Pleiku rộng 500 ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tỉnh tiếp tục xây dựng phương án phát triển 29 cụm công nghiệp trong thời gian đến. “Với nhu cầu đầu tư, quy mô dự án của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ trao đổi, giới thiệu cụ thể về quỹ đất phù hợp với loại hình dự án của doanh nghiệp cần để nghiên cứu xem xét và hợp tác đầu tư”-ông Khoa cho hay.

Về phía đại diện Nhật Bản, ông Sho Shihatori-Giám đốc Trung tâm giao lưu Nhật-Việt tại Việt Nam-cho rằng: Đây là sự kiện liên quan đến hoạt động hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam-Nhật Bản đầu tiên tại tỉnh Gia Lai. Thông qua buổi gặp gỡ này, chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tham dự ngày hôm nay góp phần lan tỏa thông tin hơn nữa, kêu gọi các đối tác, bạn bè, doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký tham gia, tham dự sự kiện trọng đại này; đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Gia Lai.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm