Tuy du nhập vào Việt Nam khá muộn song Kickboxing đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Hàng năm, Tổng cục Thể dục thể thao đều duy trì hệ thống giải vô địch quốc gia và giải vô địch cúp các câu lạc bộ toàn quốc nhằm tạo cơ hội cho các vận động viên (VĐV) so tài. Ngoài ra, các võ sĩ trẻ cũng có cơ hội thể hiện tài năng tại Giải Vô địch trẻ Kickboxing toàn quốc.
Gia Lai giành giải nhất toàn đoàn tại Giải Vô địch Kickboxing miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: V.N |
Dẫu vậy, các giải đấu này vẫn là chưa đủ bởi quá trình tập luyện rất cần sự cọ xát trên võ đài. Thực tế, nhiều VĐV khi tập luyện đã có màn thể hiện khá tốt, song khi bước vào thực chiến lại không phô diễn được hết khả năng của mình. Yếu tố tâm lý trong thi đấu luôn là vấn đề mà các huấn luyện viên ưu tiên trau dồi cho các võ sĩ. Khi thi đấu, các VĐV sẽ bộc lộ những ưu-khuyết điểm. Vậy nên, để phát huy thế mạnh cũng như khắc phục hạn chế, đồng thời tạo cơ hội cho các võ sĩ cọ xát, học hỏi, nhiều trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao thường cho VĐV của mình đi tập huấn.
Đặc biệt, với các võ sĩ trẻ, việc trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng khi bước lên võ đài là rất cần thiết. Tuy nhiên, ở các giải vô địch, các võ sĩ trẻ sẽ phải thi đấu với đối thủ hơn tuổi, trình độ cũng có sự chênh lệch cao nên việc học hỏi cũng không thực sự đạt hiệu quả. Do đó, các giải đấu cấp khu vực là cơ hội để các VĐV có môi trường cọ xát vừa sức nhằm hướng tới những giải đấu cấp cao hơn. Và, Giải Vô địch Kickboxing miền Trung-Tây Nguyên chính là một trong những cơ hội đó.
Ông Trần Bảo Sơn-Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh-cho biết: “Nhận thấy các VĐV trong khu vực chưa có nhiều cơ hội được giao lưu, cọ xát nên chúng tôi đề xuất với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức giải đấu này và dự kiến sẽ tổ chức thường niên trong thời gian tới. Thực tế, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có nhiều đơn vị rất mạnh. Nếu không tổ chức giải, các VĐV của Gia Lai hay các địa phương khác sẽ rất khó có cơ hội thi đấu với nhau”.
Các võ sĩ trẻ Gia Lai (trái) đã có cơ hội cọ xát quý giá. Ảnh: Văn Ngọc |
Kết thúc giải đấu, Gia Lai đã giành giải nhất toàn đoàn với 6 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 6 huy chương đồng; đoàn Nghệ An xếp thứ 2 với 6 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng; đoàn Bình Định xếp thứ 3 với 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng.
So với giải Kickboxing khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giải đấu ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên có số lượng VĐV cũng như đơn vị tham gia đông hơn với gần 100 võ sĩ đến từ 10 đoàn gồm: Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Quân đội, Ninh Thuận, Đak Lak và Kon Tum. Các VĐV tranh tài ở 18 hạng cân gồm 8 hạng cân nữ và 10 hạng cân nam. Cùng với những VĐV đã có tên tuổi, hầu hết các đoàn đều tạo điều kiện cho các võ sĩ trẻ tham gia. Đây cũng là cơ hội cho các đơn vị rà soát lực lượng chuẩn bị cho Giải Vô địch trẻ Kickboxing toàn quốc diễn ra trong tháng 7 này.
Được thi đấu trên sân nhà, các VĐV của Gia Lai đã để lại nhiều ấn tượng. Đơn cử như VĐV Võ Huy Hoàng-người từng giành huy chương đồng ở Giải Vô địch Kickboxing Quốc gia diễn ra hồi tháng 3-2023. Ở giải đấu lần này, tay đấm 16 tuổi được đọ sức với những đối thủ xứng tầm để rồi có màn thể hiện xuất sắc mang về tấm huy chương vàng cho đội chủ nhà. “Mỗi khi bước lên võ đài, em đều cố gắng chơi hết mình. Em rất vui vì đã giành huy chương vàng ở giải đấu này và sẽ cố gắng giành thứ hạng cao ở Giải Vô địch trẻ sắp tới”-Huy Hoàng hồ hởi chia sẻ.
Ông Vũ Đức Thịnh-Trưởng bộ môn Kickboxing (Tổng cục Thể dục thể thao) cho hay: “Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có rất nhiều đơn vị mạnh ở môn Kickboxing, cung cấp nhiều tuyển thủ quốc gia, tiêu biểu như VĐV Lê Thị Nhi đã giành huy chương vàng SEA Games 32. Bên cạnh đó, cũng có một số đơn vị mới phát triển như Kon Tum, Ninh Thuận, Quảng Nam… nên giải đấu mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào ở các địa phương. Giải cũng là sân chơi cho các võ sĩ trẻ nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để hướng tới những tầm cao mới”.