Du lịch

Cơ hội vàng hút du khách quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chính sách nới visa cần được triển khai ngay nếu được Quốc hội thông qua để mở đường đón khách quốc tế, qua đó giúp ngành du lịch hồi phục và phát triển

Chính phủ vừa chính thức có tờ trình gửi Quốc hội (QH) đề xuất đưa một số chính sách mới trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam... vào nghị quyết chung của QH tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5-2023. Cụ thể, đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày...

Thời điểm "vàng"

Chiều 2-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - đánh giá việc đưa nội dung tháo gỡ chính sách visa vào chương trình làm việc của kỳ họp QH sắp tới sẽ giúp ngành du lịch tận dụng được thời điểm "vàng" khi bước vào mùa cao điểm đón khách. Đáng chú ý, việc đưa nội dung này vào kỳ họp QH gần nhất còn thể hiện sự linh hoạt, đồng hành của QH trong việc cấp bách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch khi chưa kịp sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

"Việt Nam "đi trước" nhưng "về sau" trong cuộc đua đón khách quốc tế. Chúng ta thu hút khách nước ngoài không bằng một số quốc gia mở cửa sau trong khu vực, một trong những nguyên nhân là chính sách visa chưa phù hợp. Do đó, việc tháo gỡ chính sách visa để tăng thời gian lưu trú cho khách quốc tế là cần thiết. Cần coi chính sách visa là "chìa khóa" quan trọng để cạnh tranh với các điểm đến khác" - đại biểu QH Nguyễn Thị Việt Nga bình luận.

Đại biểu QH Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) đánh giá đề xuất tháo gỡ chính sách visa là cực kỳ cấp thiết, nếu được thông qua sẽ tạo luồng gió mới cho du lịch Việt Nam. "Việt Nam có nhiều danh lam, thắng cảnh cùng nền văn hóa đa dạng, hấp dẫn du khách quốc tế. Trong lúc chờ QH thông qua đề xuất "nới" chính sách visa, ngành du lịch cần chủ động quảng bá sản phẩm mạnh mẽ, hiệu quả hơn; tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ đi đôi với đổi mới, sáng tạo để du khách có nhiều sự lựa chọn, từ đó giữ chân họ lâu hơn" - đại biểu Trương Xuân Cừ góp ý.

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Oxalis, nêu thực tế năm 2019 - thời điểm chưa có dịch COVID-19, Việt Nam đón hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế nhưng rất ít người than phiền về chính sách visa trong khi gần đây, khách phản ứng khá mạnh.

Nguyên nhân là bởi trước đây, phần lớn khách lựa chọn tour du lịch nên được công ty du lịch lo thủ tục visa tại cửa khẩu. Sau dịch, du khách chuộng đi du lịch tự do hơn nên phải tự xin visa và phát sinh những vấn đề khó khăn, dẫn đến không ít người lựa chọn điểm đến khác. Do đó, Việt Nam cần chính sách visa thông thoáng, e-visa đơn giản, nhanh chóng hơn.

Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng chính sách visa nới lỏng hơn sẽ kích cầu du khách quốc tế trong mùa cao điểm đón khách từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng chính sách visa nới lỏng hơn sẽ kích cầu du khách quốc tế trong mùa cao điểm đón khách từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần thêm nhiều giải pháp

Cho rằng việc tháo gỡ rào cản visa sẽ là tiền đề để vực dậy ngành du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, kiến nghị cần cải thiện thêm một số quy trình khác để tạo đột phá trong thu hút khách quốc tế. Chẳng hạn, thời gian xét duyệt e-visa chỉ nên gói gọn trong 1 ngày thay vì lên tới 3 ngày như hiện tại; cần khắc phục tên miền quá dài và không có tính quốc tế...

"Chính phủ có thể xem xét ban hành chính sách Golden Visa (visa vàng) hướng đến đối tượng là khách đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm ăn hoặc khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày... để họ ở lại Việt Nam trong thời gian dài, chi tiêu sẽ nhiều hơn" - ông Hà đề xuất.

Ông Nguyễn Châu Á so sánh trong khi du khách đến Việt Nam muốn lấy visa tại cửa khẩu vẫn phải nhờ công ty du lịch làm thư mời và cơ quan quản lý về xuất nhập cảnh có thư chấp thuận, thì nhiều nước đã cho phép xin visa ngay tại điểm đến. Từ đó, ông kiến nghị bỏ yêu cầu thư mời, tăng lựa chọn về visa cấp tại cửa khẩu (landing visa).

Nhiều doanh nghiệp cho rằng bên cạnh việc sớm tháo gỡ chính sách visa, ngành du lịch cần nhiều giải pháp đồng bộ để Việt Nam tăng tính cạnh tranh so với các điểm đến khác trong khu vực. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho rằng cần kiện toàn ban chỉ đạo nhà nước về du lịch nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành để nhanh chóng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Song song đó, theo ông Tài, cần sớm triển khai kế hoạch tiếp thị quốc tế với quy mô lớn với thông điệp điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, khác biệt... Đồng thời, tiếp tục kích cầu khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, lưu trú và giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo ra chính sách giá thuận lợi, hấp dẫn du khách...

Khánh Hòa đón 190 du khách Macau - Trung Quốc

Chiều 2-4, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Asia Tourist đón chuyến bay mang số hiệu QH 9583 đưa 190 du khách từ Macau - Trung Quốc đến Khánh Hòa.

Đây là chuyến bay đầu tiên đưa du khách từ Macau đến Nha Trang - Khánh Hòa sau khi Trung Quốc chính thức cho khách du lịch nước này đi theo đoàn vào Việt Nam từ ngày 15-3. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, khẳng định sự kiện này thể hiện tình cảm của xứ "rừng trầm, biển yến" với du khách quốc tế nói chung và khách du lịch từ Macau nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Đường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Asia Tourist, cho biết để đón đoàn khách từ Macau đến Khánh Hòa, công ty đàm phán, chuẩn bị sản phẩm, cơ sở vật chất theo đề nghị của đối tác. Trong quá trình khách Macau lưu trú tại Khánh Hòa, công ty cam kết nỗ lực hết sức để họ có trải nghiệm tốt. Từ đây, góp phần giúp các công ty du lịch Việt Nam trở thành đối tác của thị trường Trung Quốc.

B.T.Nh

Có thể bạn quan tâm