TN - Đất & Người

Có một “công trình thế kỷ” ở Gia Lai-Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ 7 tháng sau ngày thống nhất đất nước, đập Đak Uy-công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Gia Lai-Kon Tum và cả Tây Nguyên bấy giờ đã được khởi công. Suốt hơn 500 ngày đêm, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 331 và 332 lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã biến một vùng đất khát cháy, xác xơ vì bom đạn trở thành những xóm làng trù phú như ngày nay.

Với tầm vóc lịch sử ấy, ông Trần Kiên-Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum là người trực tiếp chỉ đạo công trình. Chiến dịch thi công công trình được đặt tên là “Chiến dịch 30 tháng 4 toàn thắng”. Toàn bộ các loại máy móc thi công tiên tiến nhất có trong tay lúc đó được ưu tiên cho công trình.

Ông Nguyễn Nhân Dẫn-nguyên chiến sĩ Đoàn 332-nhớ lại: Trước khi lên đường, chúng tôi được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy đơn vị quán triệt: “Tập trung lực lượng về mọi mặt, kiên quyết giành thắng lợi trong chiến dịch này”. Việc chuẩn bị cho chiến dịch như chuẩn bị lên đường chiến đấu. Một bộ chỉ huy chiến dịch được hình thành có cả “hậu phương” và “tiền phương”. Trong chưa đầy 1 ngày, lực lượng của các đoàn tham gia thi công đã hành quân đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, chiến sĩ trên công trình thủy lợi Đăk Uy (Ảnh TL của Đoàn 331)

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, chiến sĩ trên công trình thủy lợi Đăk Uy (Ảnh TL của Đoàn 331)

Trở lại Đak Uy, mỗi người như có cảm giác được trở lại với những tháng năm chiến đấu hào hùng trên chiến trường xưa. Bằng tình yêu và lòng tự hào, nhiệt huyết của người chiến sĩ với mảnh đất đã đi vào lịch sử, ai cũng thầm nhủ sẽ làm việc với một quyết tâm cao nhất, đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, quyết chiến và quyết thắng. Và dường như, để thách thức ý chí đó của những cán bộ, chiến sĩ vừa mới rời tay súng, công trường với bao khó khăn bề bộn bày ra trước mắt: nhà ở phải tự làm lấy, nước uống phải tự tay khơi nguồn, đường đi lối lại phải tự mở; cân gạo, củ khoai, hạt muối đều phải tự vận chuyển từ nơi khác đến. Đã vậy, khí hậu ở đây lại khắc nghiệt. Ngày nắng đến cháy da, về đêm lạnh cóng. Công việc mệt mỏi, nặng nhọc. Với không ít chiến sĩ, đây là lần đầu được biết thế nào là “đào đất, cắt gỗ”.

Tuy nhiên, với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, các chiến sĩ không tiếc mồ hôi, công sức, quyết góp phần làm cho công trình Đak Uy xứng đáng với vị trí lịch sử của nó. 100% cán bộ, chiến sĩ đều có mặt ở công trường. Bất kể ngày đêm, nơi đây luôn ầm ã tiếng xe máy, tiếng loa phóng thanh, tiếng chân người rầm rập. Một phong trào thi đua lao động đạt năng suất, chất lượng cao dấy lên trong khắp các đơn vị. Tiểu đoàn vận tải, đơn vị thi công cơ giới đã làm việc suốt ngày đêm. Các chỉ tiêu thường xuyên... bị phá vỡ. Trung đoàn 713 là điển hình xuất sắc nhất về tổ chức thi công giỏi, năng suất đạt trên 200%. Trung đoàn 711, Đại đội 10, Đại đội 15, Đại đội 9, Đại đội 1 của Trung đoàn 36, Đại đội 3 của Trung đoàn 712, Đại đội 1, Đại đội 10 của Trung đoàn 710… đều là những đơn vị tiêu biểu.

Trong phong trào chung đó đã nổi lên nhiều cá nhân với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà những ai từng tham gia lao động trên công trường đến nay vẫn còn nhớ như: Trung sĩ Hà Văn Dương cùng tiểu đội thường xuyên gánh trên 70 kg; Nguyễn Duy Thế “kiện tướng khai hoang” đã phát hoang đạt 1.200 m2/công; “Kiện tướng lái máy” Hà Duy Tùng đạt 1.030 m3/kíp, vượt 700 m3 so với chỉ tiêu…

Đak Uy ngày ấy với cán bộ, chiến sĩ có thể nói là một trường học lớn của thời bình. Sự gian khổ không những không kém gì so với những tháng năm cầm súng trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận mà để có công trình, hơn 180 cán bộ, chiến sĩ đã phải ngã xuống vì sốt rét, tai nạn và bệnh tật.

Chính bởi ý nghĩa đó mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Gia Lai-Kon Tum ngày ấy đều đến động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang lao động trên công trường. Và ngày công trình hoàn thành, Đại tướng Chu Huy Mân, bấy giờ là Chính ủy-Tư lệnh Quân khu 5 đã cắt băng khánh thành và đặt tên cho đập Đak Uy là “Đập Mùa Xuân”-một cái tên đúng như tầm vóc lịch sử và ý nghĩa lớn lao của nó.

Có thể bạn quan tâm