Hồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cơ quan, đơn vị K8 (An Khê ngày nay) thường “ở nhờ” trên đất bạn. Những năm 1960 thì ở phía Bắc đường 19-đất của Kbang (hồi đó gọi là K2), về sau lại chuyển qua phía Nam đường 19-đất của Kông Chro (K7). Khi tôi thành người của K8, cuối năm 1968 thì K8 “định cư” vùng rừng nguyên sinh phía sau núi Hãnh Hót tính từ thị trấn An Khê hướng về phía Nam.
Dù ở đâu, K8 vẫn bám theo các làng đồng bào Bahnar sống bất hợp pháp với chính quyền đối phương. Lúc thì ở cạnh làng Đê Chơ Gang, khi thì với làng Bung (nay thuộc xã Ya Hội, huyện Kông Chro) hoặc làng Đe Kruối (nay thuộc xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ).
Có một điều kỳ diệu là, dù ngày đêm giặc lùng sục càn quét, nhưng rất nhiều lần, dân làng và các cơ quan của K8 cùng những đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn vẫn an toàn, bí mật trong các nơi sơ tán, lánh nạn và chống trả. Sau này, có vài lần tôi tìm về các làng xưa ấy thăm lại bà con, nhưng các làng đã được chính quyền di dời đến định cư, định canh những nơi mới thuận lợi hơn.
Tôi nhớ ngày ấy, làng Đê Chơ Gang chưa đầy 20 hộ. Hầu hết thanh-thiếu niên đều là du kích, liên lạc cho cách mạng. Những ngày được nghỉ công tác, họ về làng làm nương rẫy, hái rau, bắt cá, kiếm củi giúp gia đình.
Một ngày đầu năm 1972, có lẽ là bọn biệt kích phát hiện ra nơi ở của làng Đê Chơ Gang, chúng gọi một tốp trực thăng 5 chiếc, 2 máy bay quạt, 1 HU1B, 2 HU1A chở quân. Sau một hồi quần đảo, có lẽ chúng phát hiện ra đấy chỉ là một số nhà của người dân nên không đổ quân và rút lui. Hay tin, huyện đội K8 cử một số anh em chúng tôi đến giúp đồng bào khắc phục hậu quả.
Khi chúng tôi đến thì bà con đã không còn ai ở đó. Một đơn vị đã di tản bà con ra khỏi làng. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện nhiều chỗ có những vết máu tươi loang ra. Sau đó, chúng tôi hay tin những vết máu là của vật nuôi bị đạn bắn trúng. Khi máy bay ập đến bắn phá, dân làng đã kịp xuôi theo một con suối ẩn nấp an toàn. Con suối bắt nguồn từ đỉnh núi Hãnh Hót, quanh năm nước trong veo luồn qua những khe đá chảy xuôi về hướng Đông, hòa vào dòng Đak H’Way, có nhiều ghềnh đá và hang động, có nơi có thể trú ẩn được vài chục người.
Năm 2018, một lần nữa tôi trở lại thăm vùng này, không thể nhận ra chốn cũ, suối đã không còn nước, rừng quanh khu vực đã thành nương rẫy. Tiếc cho một dòng suối, một vùng rừng nguyên sinh đã từng là nơi nương náu để sinh tồn của một cộng đồng Bahnar theo cách mạng, sống bất hợp pháp với chính quyền Mỹ-ngụy ngày xưa. Nhưng bù lại, phía dưới hạ lưu con suối là những cánh đồng mía, bắp, bí đỏ... và lúa vụ mùa xanh ngút tầm mắt. Những cánh đồng ấy giờ là của bà con làng Bung định canh, thuộc xã Ya Hội; còn bà con làng Đê Chơ Gang giờ thuộc xã Phú An.
Làng Đê Chơ Gang có truyền thống mấy trăm năm qua luôn thủy chung với cái đẹp, cái đúng. Ấy là thời 3 anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp, đầu tiên là ông Nhạc buôn trầu có ghé làng, nói với dân làng rằng “Yàng hiện ra trên núi Mò O sai ông chuẩn bị quân lương đi đánh một ông vua ở dưới xuôi tàn ác, không biết thương dân”. Nghe vậy, dân làng Đê Chơ Gang rất ủng hộ, cho ông Nhạc nào voi, trâu, bò, lương thảo. Rồi sau này cách mạng về, nói lẽ phải, bà con Đê Chơ Gang cũng nghe theo, giúp đỡ che giấu người của cách mạng.
Người làng Đê Chơ Gang là thế. Trong thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, bao lần giặc càn quét bắn giết, bắt giam người làng, gom dân vào trong ấp chiến lược, nhưng đều bất thành bởi lòng chung thủy với cách mạng.
Nhớ hồi chia tách huyện An Khê để thành lập thị xã An Khê và huyện Đak Pơ (tháng 12-2003), làng Đê Chơ Gang được sáp nhập về xã Phú An, huyện Đak Pơ. Ban đầu, bà con không được vui cho lắm, bởi từ xa xưa người Đê Chơ Gang như đã thuộc về An Khê (K8). Nhưng rồi, bà con cũng quen.
Hiện làng có gần 140 hộ với hơn 500 khẩu. Bà con chăm chỉ làm ăn, cuộc sống ổn định, đói nghèo dần bị đẩy lùi vào quá khứ. Giờ thì Đê Chơ Gang đã là làng văn hóa, phấn đấu cuối năm nay đạt chuẩn làng nông thôn mới, đường làng được bê tông hóa, không còn nhà tạm bợ, những lối đi trong làng là đường hoa kiểu mẫu... xanh-sạch-đẹp.