Sức khỏe

Có nên kiêng hoàn toàn chất béo trong bữa ăn hằng ngày?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người sợ chất béo gây nhiều bệnh nên kiêng ăn hoàn toàn, các chuyên gia cho rằng quan niệm này không tốt, nhất là với trẻ nhỏ.
 Các thực phẩm giàu chất béo tốt cho sức khỏe. Ảnh: H.M.
Các thực phẩm giàu chất béo tốt cho sức khỏe. Ảnh: H.M.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng, không nên kiêng hoàn toàn chất béo, mà ăn hợp lý. Chất béo gồm dầu, mỡ thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và có nhiều vai trò cần thiết cho cơ thể. Đó là nguồn sinh năng lượng quan trọng. Một gam chất béo khi đốt cháy trong cơ thể cho 9 kcal trong khi một gam đạm hay bột chỉ hình thành 4 kcal.
Chất béo là thành phần quan trọng của nhiều chất cần thiết đối với cơ thể. Chất béo tham gia cấu tạo màng tế bào và dịch thể của các tổ chức, đặc biệt là não. Nó giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ em vì nó giữ vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh trung ương của trẻ.
Dầu mỡ là dung môi tốt để hòa tan các vitamin A, D, E, K là những vitamin có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin này phải cần có dầu mỡ. Các thiếu hụt về chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức phận nhiều cơ quan, đặc biệt là cơ quan thần kinh. Do vậy, đối với trẻ em, khẩu phần cần đảm bảo đủ chất béo.
Tiến sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng nhấn mạnh, một bữa ăn cân đối cần có đủ các nhóm thực phẩm ở tỷ lệ cân đối là ngũ cốc, thực phẩm giàu đạm, thực phẩm giàu chất béo và thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối, đường.
Bên cạnh đó cần lưu ý, mỗi người trưởng thành mỗi ngày trung bình nên ăn khoảng 25-30 g dầu, mỡ tương đương 5-6 thìa cà phê dầu, mỡ. Hạn chế ăn mỡ động vật vì chứa nhiều chất béo bão hòa. Tuy nhiên mỡ cá và mỡ gia cầm có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt omega 3, 6, 9 có lợi cho sức khỏe.
Các loại dầu thực vật thường chứs nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải… Một số loại dầu thực vật chứa nhiều chất béo bão hòa (như dầu cọ) thì không nên ăn nhiều.
Đồng thời, không nên ăn quá nhiều các món xào, rán, nướng và tăng cường món luộc, hấp để giảm mất mát chất dinh dưỡng và biến đổi thực phẩm gây tác hại cho sức khỏe. Dầu, mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi bỏ, không dùng lại nhiều lần; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư.  Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo (snack, khoai tây chiên, bim bim, gà rán, thịt nướng, pizza…) cũng là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, nếu tiêu thụ quá nhiều dễ gây thừa cân béo phì, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo VNE

Có thể bạn quan tâm