Xã hội

Có nên phóng sinh cá Koi thay vì cá chép ngày ông Công, ông Táo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, không ít gia đình đã chọn thả cá Koi phóng sinh thay vì cá chép ngày lễ tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời.

Vào ngày lễ tiễn ông Công, ông Táo, nhiều gia đình chọn mua những cặp cá vàng khoẻ mạnh và đẹp mã để về làm lễ cúng. Sau khi hoàn tất lễ cúng, các gia đình sẽ thả cá ra sông hồ để Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo lại tất cả việc làm của con người trong một năm.

Tuy nhiên, hiện nay, cá chép không phải là sự lựa chọn duy nhất của các gia đình trong ngày tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Thay vào đó, nhiều gia đình chọn mua những con cá Koi đắt tiền để làm lễ cúng và sau đó phóng sinh theo đúng phong tục.

Cá Koi cũng thuộc họ hàng nhà cá chép, màu đỏ, sắc nét hơn cá chép Việt Nam. Tuy nhiên, cá Koi có giá thành đắt hơn cá chép bởi đây là một giống cá của Nhật Bản và được nuôi nhiều tại Việt Nam trong những năm gần đây. Chính vì vậy không ít người có điều kiện đã thay thế cá chép bằng cá Koi để thả trong ngày cúng ông Công ông Táo.

Thế nhưng, việc thả cá Koi thay cá chép đã vấp phải ý kiến phản đối của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cúng ông Công, ông Táo nên thực hiện theo tục lệ truyền thống. Mọi yếu tố ngoại lai đều không phù hợp và làm lệch lạc đi yếu tố truyền thống. Một số ý kiến khác lại cho rằng, tuỳ vào điều kiện và sự thành tâm của gia chủ nên cúng loại cá nào cũng đều hợp lý.

 

Nhiều người chọn cá chép để thả vào ngày ông Công ông Táo. Ảnh: Thành Đông
Nhiều người chọn cá chép để thả vào ngày ông Công ông Táo. Ảnh: Thành Đông


Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho biết, người dân cúng cá chép với quan niệm cá chép hoá rồng và bay lên trời. Vì thế nên việc cúng cá Koi là không đúng với truyền thống và tâm linh trong lễ 23 tháng Chạp này.

Cá Koi mới được xuất hiện trong những năm gần đây. Do cá Koi có giá trị cao nên mọi người chọn loại cá này để phóng sinh. Đây là một sự biến đổi trong xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, đây là sự biến đổi có thể chấp nhận được vì đều mang ý nghĩa phóng sinh cá. Vì thế, tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình để lựa chọn loại cá để thả vào ngày ông Công, ông Táo.

Lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo năm nay rơi vào cuối tuần nên sẽ thuận lợi cho việc chuẩn bị mâm cơm cúng của nhiều gia đình. Theo đó, ngày 23.12 Âm lịch nhằm vào thứ Bảy ngày 14.1.2023.

Tuy nhiên, nếu bận vào dịp cuối tuần, các gia đình có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23.12 Âm lịch khoảng 1 - 2 ngày và không nên cúng sau 23hh ngày 23.12. Bởi theo quan niệm dân gian, cả năm chỉ có một ngày để các Táo lên trời tâu thưa với Ngọc Hoàng về một năm đã qua.

Thông thường, trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm khoảng 2-3 con cá chép đựng trong chậu nước. Sau khi cúng trong, người dân sẽ đem phóng sinh ở sông, hồ. Điều này thể hiện sự chuẩn bị phương tiện để ông Công, ông Táo cưỡi lên trời.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cá chép còn thể hiện ngụ ý "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", bởi cá chép mang ý nghĩa cho sự thăng hoa. Hơn nữa, Tết ông Công, ông Táo còn là một dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, gặp gỡ và cùng nhau chuẩn bị một cái Tết đủ đầy, vui vẻ và sung túc.



https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/co-nen-phong-sinh-ca-koi-thay-vi-ca-chep-ngay-ong-cong-ong-tao-1136439.ldo

Theo Hải Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm