Bạn đọc

Cơ quan quản lý giáo dục cấp sở có giữ nguyên trạng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, mới đây, Bộ Nội vụ đã đưa ra dự thảo nghị định thay thế Nghị định 24/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), một trong 12 đơn vị cấp sở thuộc diện được đề nghị cơ cấu mới theo đề án sắp xếp lại.
 

Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Văn Lượng-Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Biên chế (Bộ Nội vụ), dự thảo nghị định này được phân làm 3 nhóm: nhóm 1 (gồm 7 sở được thống nhất ở các địa phương: Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Thanh tra, Văn phòng UBND); nhóm 2 (các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sẽ giữ ổn định hay hợp nhất, trong đó có Sở GD-ĐT, Sở Khoa học và Công nghệ); nhóm 3 là các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như: Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch… Có thể hiểu, các đơn vị cơ cấu ở nhóm 1 là phần cứng và từ nhóm 2 trở đi là phần mềm. Như vậy, Sở GD-ĐT ở một số địa phương có thể giữ nguyên chức năng nhiệm vụ hiện hành và cũng có thể sáp nhập với một sở khác, mà theo gợi ý là Sở Khoa học và Công nghệ để thành một sở mới với chức năng, nhiệm vụ rộng hơn.

Bàn thảo, góp ý về vấn đề này, nhiều người đồng thuận với việc cần tinh giản bộ máy nhà nước để hoạt động tốt hơn, tránh chồng chéo các chức năng, nhiệm vụ quản lý, vừa không hiệu quả, vừa lãng phí nguồn nhân lực, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, riêng ngành GD-ĐT các tỉnh, thành xưa nay được cho là rất quan trọng và nặng nề, có tính chuyên môn đặc thù và phát triển rộng khắp với các bậc học từ mầm non đến phổ thông cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên đông nhất so với các ngành khác. Nghị quyết của Đảng cũng đã xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ta những năm qua đã chứng minh điều ấy. Trong tương lai, một thế hệ “vàng” của thời đại công nghệ 4.0 mà ngành GD-ĐT đang và sẽ đào tạo là những chủ nhân của đất nước phát triển và hội nhập sâu rộng. Chất lượng nguồn nhân lực ở các địa phương phụ thuộc nhiều vào phương thức quản lý của ngành chủ quản. Đó là vấn đề không cần bàn cãi. Như vậy, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành không chỉ là cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh mà còn là cơ quan quản lý trực tiếp việc dạy và học thuộc địa phương, chịu trách nhiệm chính về chất lượng đào tạo thế hệ trẻ.

Trong dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ, nếu đưa Sở GD-ĐT vào nhóm 2 có nghĩa là có thể sáp nhập với một đơn vị khác để hình thành một sở mới. Điều đó theo tôi là không hợp lý và chưa đánh giá đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành GD-ĐT địa phương. Ngành GD-ĐT cần đứng độc lập và nên đi sâu nghiên cứu cải tiến phương thức quản lý khoa học và hiệu quả hơn, đưa chất lượng giáo dục ngày một phát triển theo kịp các nước tiên tiến.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm