Toàn tỉnh có khoảng 98.700 ha cà phê, năng suất đạt 30,2 tạ/ha, sản lượng 267.428 tấn. Trong đó, khoảng 90% sản lượng cà phê được xuất khẩu, chỉ còn khoảng 10% phục vụ tiêu dùng nội địa. Từ giữa tháng 5 đến nay, giá cà phê nguyên liệu tăng kỷ lục, có thời điểm lên đến trên 65 ngàn đồng/kg nhân xô trong khi nguồn cung trong nước đã cạn kiệt.
Giá cà phê nhân xô trên thị trường đang ở mức cao kỷ lục đã phần nào tác động đến giá cà phê bột chế biến. Ảnh: V.T |
Bà Trịnh Thị Lương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dalasa Coffee (TP. Pleiku) cho biết: “Giá cà phê tăng cao tác động rất nhiều đến ngành chế biến. Song, là người trực tiếp trồng, chế biến cà phê, tôi nhận thấy phải bình ổn giá trong thời điểm này. Bởi bây giờ kinh doanh có nhiều sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nên việc tăng giá sẽ càng gây khó khăn hơn.
Giá cà phê nhân xô tăng có nhiều nguyên nhân, song yếu tố nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng đối với dòng cà phê Robusta cũng là tín hiệu tốt. Nếu xu hướng tiêu dùng ở nước ngoài trước đây chủ yếu là cà phê Arabica thì bây giờ giới trẻ rất thích uống cà phê Robusta. Công ty hiện có 2 đơn hàng xuất đi nước ngoài thông qua Việt kiều ở Mỹ và Canada, nhưng sản lượng không nhiều vì chủ yếu họ lấy để giới thiệu và bán cho khách hàng dùng thử sản phẩm hoàn toàn từ Robusta”.
Hiện nay, cà phê Robusta sàn 16 chế biến chất lượng cao đang được các nhà cung ứng báo giá quanh mức 75-80 ngàn đồng/kg, hàng nhân xô thường khoảng 65 ngàn đồng/kg. Mức giá này tăng 45-50% so với đầu niên vụ 2022-2023.
Bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ cơ sở cà phê Thảo Hiên (huyện Ia Grai) cho hay: “Do chủ động nguồn cà phê nhân xô nên cơ sở không bị động về nguồn nguyên liệu chế biến. Song, do giá nguyên liệu tăng quá mạnh nên cơ sở cũng nâng giá sản phẩm lên khoảng 10% để bù đắp chênh lệch. Cơ sở đang cố gắng giữ ổn định giá để hỗ trợ khách hàng. Hiện giá cà phê bột dao động trong khoảng 150-250 ngàn đồng/kg tùy loại và tùy theo phương pháp chế biến. Mỗi năm, cơ sở đưa ra thị trường khoảng 20 tấn thành phẩm”.
Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ngành cà phê cho biết, giá mặt hàng này sẽ khó trụ ở mức cao như hiện nay và sẽ quay lại giá trị thực khi Brazil-quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất bắt đầu vào vụ thu hoạch. Cùng với đó, một số quốc gia khác như Indonesia cũng đang thu hoạch. Khả năng giá cà phê sẽ giảm trở lại khi tháng 10 là vào vụ thu hoạch mới của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hải Phong-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên (TP. Pleiku), giá cà phê tăng cao ảnh hưởng đến các hợp đồng cung cấp nguyên liệu đã ký kết với khách hàng. Tuy nhiên, đối với cà phê rang xay, Công ty vẫn cố gắng giữ ổn định cho khách hàng với giá dao động 120-160 ngàn đồng/kg.
“Năm nay, ngoài khách hàng truyền thống, Công ty có thêm một lượng khách hàng mới nên sản lượng tăng lên. Nguồn khách hàng này chủ yếu tìm đến Công ty vì thời điểm này một số doanh nghiệp điều chỉnh giá cà phê rang xay nhưng Tropico vẫn giữ giá ổn định”-ông Phong nói.
Nhiều doanh nghiệp cà phê cho biết giữ ổn định giá bán trong thời điểm này cũng chính là giữ ổn định nguồn khách hàng. Ảnh: Vũ Thảo |
Trong khi đó, ông Lê Hữu Anh-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) cho biết: Hiện nay, giá nguyên liệu đã tăng đến 50% nhưng giá cà phê chế biến chỉ tăng khoảng 10% là do phải giữ ổn định trong mức độ cho phép, nếu tăng mạnh theo giá nguyên liệu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng. Bằng cách tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, quản lý và giảm lợi nhuận, Hợp tác xã vẫn duy trì mức giá tốt nhất, đặc biệt là đối với dòng cà phê chế biến chất lượng cao.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp ngành cà phê, ngay từ đầu vụ, những cơ sở có quy mô nhỏ đã cơ bản chủ động được nguồn hàng nguyên liệu nhập kho để sản xuất trong 1 năm. Do đó, dù giá nguyên liệu biến động thất thường thế nào trong niên vụ cũng ít tác động đến những doanh nghiệp, cơ sở này, trừ khi giá liên tục neo cao kéo dài đến niên vụ sau.
Bên cạnh những cơ sở chế biến giữ ổn định giá thì cũng có một số cơ sở đã tăng giá để bù đắp chi phí nguyên liệu tăng quá cao. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều. Hiện nay, thị trường cà phê chế biến có sự cạnh tranh gay gắt và áp đảo bởi những thương hiệu cà phê lớn. Vì vậy, để tìm được chỗ đứng trên thị trường, các nhà rang xay nhỏ một mặt vừa phải nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt khác phải xây dựng giá bán hợp lý.