(GLO)- Những ngày này, mọi nẻo đường trên quê hương Việt Nam đều ngập tràn sắc đỏ. Đó là màu cờ đỏ sao vàng hòa vào không khí chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày Tết Độc lập của đất nước. Sắc đỏ ấy cũng nhuộm rực từng tuyến phố khi hàng triệu cổ động viên đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng của đội Olympic Việt Nam khi lọt vào bán kết Asiad 2018. Không khí lễ hội tràn ngập nơi nơi. Thời khắc này, tôi lại miên man nghĩ về lá cờ Tổ quốc.
Ảnh minh họa |
1. Ngày còn học vỡ lòng, tôi đã thuộc nằm lòng những câu thơ: “Em yêu màu đỏ/Như máu con tim/Lá cờ Tổ quốc/Khăn quàng đội viên” (Sắc màu-Phạm Đình Ân). Thời tôi sinh ra, mùi đạn bom chỉ còn vương lại trong những trang sách mà tôi được học về chiến tranh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình chưa hiểu nhiều về chiến tranh, về nỗi cơ cực ngày nội tôi gồng gánh đàn con thơ theo chồng chạy giặc. Vậy nhưng, tôi luôn hiểu màu đỏ của lá cờ Tổ quốc cũng là xương máu của bao nhiêu người con Việt Nam, phải qua bao thăng trầm lịch sử để rực đỏ. Buổi chào cờ đầu tiên trong đời, lũ học trò chúng tôi ngước lên hướng về lá cờ đang tung bay trên nền trời xanh, cùng đồng thanh cất lên bài “Tiến quân ca” hào hùng, ai cũng gắng hết sức mình để hát cho thật to, thật rõ. Khoảnh khắc ấy có gì đặc biệt lắm, dù một cô bé con như tôi ngày ấy chưa thể hình dung đó là biểu tượng thiêng liêng nhất của Tổ quốc.
2. Tôi tự dệt nên thanh xuân của mình bằng việc đi đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước, ở nơi đâu cũng thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Có phương trời, lá cờ tươi thắm, cũng có những nơi lá cờ đã sờn bạc đi vì sương gió, nhưng tất thảy đều kiêu hãnh tung bay. Một ngày, tôi ra bến Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn) rồi đi nhờ tàu dân để thăm Cù Lao Xanh, một trong những xã đảo còn khó khăn của miền đất võ. Những giờ lênh đênh trên biển, tôi mới thấm thía niềm tự hào dân tộc khi chứng kiến những người con của biển dù có thể thiếu gạo, thiếu muối nhưng không quên cắm cờ Tổ quốc trên nóc tàu mỗi lần bám biển ra khơi. Nơi đầu sóng ngọn gió, lá cờ vươn lên, kiêu hãnh và oai hùng. Tôi như nhìn thấy hình hài Tổ quốc giữa biển cả mênh mông. Cái hương vị mặn mòi của biển cùng với hình ảnh hàng trăm lá cờ đỏ thắm thấp thoáng trên những con tàu dập dềnh neo đậu ở bến cảng đủ làm say đắm trái tim của bất kỳ ai là con dân nước Việt.
Đến Cù Lao Xanh, tôi ghé thăm Cột cờ Thanh niên, một trong những công trình được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động xây dựng. Ấm lòng vì thấy tình yêu Tổ quốc hiện diện trên mọi nẻo đường tôi qua. Đứng ở nơi cao nhất của Trạm Hải đăng Cù Lao Xanh, nhìn ngắm cái trùng trùng của biển, cái thênh thang của núi, cái chót vót của mây trời trong tầm mắt, chợt nao lòng khi thấy lá cờ cỏ tung bay giữa màu xanh cỏ, đá. Đẹp đến lạ thường! Phải chăng, chính sắc đỏ của lá cờ ấy đang sưởi ấm trái tim của những người lính Biên phòng ngày đêm canh giữ biển trời nơi đây?
3. Không thể đếm được có bao nhiêu người con của đất nước Việt Nam đã băng mình qua cái khắc nghiệt của thời tiết, địa hình để cắm lá cờ Tổ quốc lên vùng Bắc cực, Nam cực hay bất kỳ vùng đất xa xôi nào trên thế giới. Điều gì đã khiến cho chúng ta làm được những điều phi thường như thế? Rồi ở các đấu trường thể thao, trong giây phút chiến thắng, khi lá cờ Việt Nam được trang trọng kéo lên là lúc giọt nước mắt của nhiều vận động viên rơi xuống, vì niềm tự tôn, tự hào dân tộc. Còn nhớ trong trận chung kết Giải Bóng đá U23 châu Á, trước khi rời sân, Duy Mạnh, một cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam đã cắm lá cờ Tổ quốc lên đụn tuyết cao ở phía ngoài sân cỏ rồi cúi đầu chào. Hình ảnh ấy đã gây một niềm xúc động lớn lao đối với đông đảo người hâm mộ ở quê nhà. Họ tin vào lá cờ ấy, tin vào thế hệ trẻ của thể thao Việt Nam đã chiến đấu hết mình cho màu cờ sắc áo, và tin rằng mỗi công dân Việt Nam dù ở nơi đâu, làm gì cũng luôn kiên cường, quả cảm.
Lá cờ của mỗi quốc gia đều có những câu chuyện riêng. Nhưng điểm chung duy nhất ở đó là tình yêu đất nước. Thế hệ trẻ chúng tôi nhìn vào Quốc kỳ để nghiệm lại bản thân mình đã làm được những gì cho quê hương. Và hiểu rõ rằng, việc tốt nhất có thể làm là mỗi ngày lại sống nhiệt huyết thêm một chút, có trách nhiệm với gia đình, với quê hương thêm một chút, để không phải hổ thẹn khi ngước nhìn lá cờ của Tổ quốc mình-lá cờ ướp mùi hương non sông.
Lữ Hồng