Hơi thở Gen Z

Cà phê cùng bạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi bắt đầu một ngày mới, tôi thường có thói quen hòa mình xuống phố, sau vài vòng xe thì dừng lại ở một quán cà phê, gặp gỡ bạn bè thân thiết.

Và cũng từ lâu, cà phê với tôi không chỉ là thức uống mà còn là chất xúc tác cho những tình bạn gắn bó theo thời gian. Chúng tôi mỗi người mỗi việc nên nhờ ly cà phê lúc đầu giờ làm việc để thêm cớ gặp nhau. Đôi khi, cũng không cần nói gì nhiều, chỉ cùng nhau lặng ngồi và thưởng thức ly cà phê thơm nồng.

Riết rồi thành quen, chúng tôi cũng không hẹn trước, chỉ cần đến quán quen là sẽ gặp. Hôm nào bạn chưa đến, cảm giác trong lòng cứ trông mong, ngóng đợi. Có lẽ ngoài điểm chung là đam mê cà phê thì ở đó chúng tôi còn có sự đồng điệu về nhiều thứ khác nữa.

ca-phe-cung-ban-bg-9257-1663.jpg
Ảnh minh họa: Thanh Nga

Tôi có vài người bạn như thế. Chúng tôi gặp nhau vào những buổi sáng với một địa điểm cố định, ngồi ở một góc quán cà phê quen thuộc, mỗi người một ly cà phê, thỉnh thoảng trao đổi đôi ba câu chuyện. Trong tiếng leng keng của ly cốc, dòng suy nghĩ tự nhiên trôi đi giữa bộn bề thường nhật. Cũng có những lúc chỉ ngồi lặng im, mỗi người theo đuổi dòng suy nghĩ riêng, nhưng vẫn có sự gắn kết vô hình. Đó là thứ tình bạn không cần nhiều lời, không cần phô trương, nhưng bền chặt, quý nhau ân tình.

Nơi chúng tôi thường lui tới là một quán cà phê nằm sâu trong hẻm sát Bưu điện tỉnh của thành phố. Mặc dù là hẻm thông 2 lối đi vào nhưng chỉ vừa đủ đỗ vài chiếc xe máy. Quán mộc mạc, bài trí đơn sơ vài chiếc bàn gỗ nằm sát cạnh nhau. Với tôi, bên một người bạn với 2 ly cà phê, dăm ba thứ vụn vặt chẳng thể tỏ với ai, vậy mà bên người bạn cà phê mọi thứ đi qua thật thư thái, nhẹ nhõm, hứng khởi. Chúng tôi hay ví đó như mảnh ký ức bình yên trong vô vàn mảnh ghép cuộc đời.

Thường sẽ bắt đầu bằng những câu chuyện vu vơ, từ chuyện thời tiết đến những bộ phim gần đây hay một trào lưu, xu hướng thời trang mới nhất... Nhưng dần dần, cuộc trò chuyện sẽ lạc vào những tâm tư sâu lắng, những giấc mơ cùng dự định bỏ ngỏ. Bạn tôi có một cách chia sẻ tình cảm với nhau rất đặc biệt. Đó là bên ly cà phê, mỗi lần tìm kiếm lời khuyên hay chỉ đơn giản là chia sẻ điều gì đó, tôi cảm nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm trong ánh mắt bạn, mặc dù chẳng có lời nào bật ra.

Có những ngày, chúng tôi cười nói rôm rả, nhưng cũng có những lúc, bầu không khí trầm tư, chỉ còn những tiếng thầm thĩ giữa 2 ly cà phê đang va vào từng khoảng lặng, thấm đượm cả niềm vui lẫn nỗi buồn.

Nơi chúng tôi ngồi gần đấy có cây bằng lăng tím cả ngày hạ, cây hoa sữa ngân nốt chiều thu. Pleiku của tôi mấy năm gần đây quán cà phê mở rộ, đông đúc và mỗi quán định hình phong cách riêng. Tự bao giờ, từ vỉa hè đến quán sang trọng, từ góc khuất nhìn về chỗ sầm uất, từ trung tâm về ngoại ô, từ ồn ào đến tĩnh lặng, đâu đâu, tôi cũng bắt gặp những san sẻ, bè bạn bên nhau. Những buổi cà phê đó không chỉ là thói quen, mà còn là một kiểu “nghi thức” riêng của tình bạn.

Chúng tôi hiểu nhau qua những khoảnh khắc lặng im, đôi lúc nhìn nhau và chỉ cần một ánh mắt cảm thông, một nụ cười chia sẻ, thế là đã đủ. Thời gian như ngừng lại, mọi thứ trở nên chậm rãi và thanh thản. Cái thú vui ngồi cà phê cùng bạn không phải ở việc phải nói gì, làm gì, mà ở chỗ được chia sẻ một khoảng lặng với nhau. Những đen, đắng nhẹ vơi đi, chỉ còn lại hậu vị ngọt ngào.

Chúng tôi không quy ước mà như mặc định, đã ngồi cà phê với nhau thì không cắm cúi vào điện thoại. Có hôm mới 20 phút xong cữ cà phê, ai nấy đứng lên, đi về hướng khác nhau để bắt đầu công việc của ngày mới. Một điều thú vị chúng tôi chỉ uống 1 loại cà phê ép không đường đá. Tưởng như sẽ nhàm chán theo tháng năm nhưng cảm giác thoải mái và thân quen vẫn vẹn nguyên. Vì chúng tôi không phải gồng mình tỏ ra mạnh mẽ hay vui vẻ bề ngoài, chỉ cần là chính mình, giản dị và chân thành.

Có lẽ, trong sự nhịp nhàng ấy, cà phê không chỉ là thức uống, mà còn là chất xúc tác cho sự thấu hiểu. Nhiều khi tôi tự hỏi, liệu chúng ta có giống như ly cà phê đang uống kia không? Tôi nghĩ là có đó. Bởi, để có hương vị mà ta đang tận hưởng, có lẽ cần phải trải qua nhiều quá trình, từ đau khổ, đối mặt đến khi dũng cảm bước qua khó khăn để niềm vui luôn ở lại. Như cách chúng ta tìm ra bài học, giống như cách mà cà phê cần được rang xay mới mang lại hương vị hậu mãi.

Từ đời sống ly cà phê bước vào văn học cũng không kém phần thi vị, màu sắc. Trong nhiều tác phẩm tôi đã đọc, những người bạn bên ly cà phê thường xuất hiện như một biểu tượng của sự gắn kết, chia sẻ. Câu chuyện về những người bạn bên ly cà phê tôi nhớ đến tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh khi các nhân vật bên ly cà phê để lắng nghe thấu hiểu cuộc đời. Đó là sự trầm lắng, đượm buồn của những gì đã qua và những gì đang còn ở lại, tiếp diễn nay mai.

Hay trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một số chi tiết về tình bạn và những khoảnh khắc uống cà phê cùng nhau, tuy không phải là trọng tâm chính của câu chuyện nhưng dường như chính những chi tiết nhỏ ấy đã góp phần làm nên dấu ấn, khiến câu chuyện in dấu trong lòng bạn đọc. Trong tác phẩm “Bố Già” của Mario Puzo cũng có những cảnh bạn bè cùng nhau tâm sự bên tách cà phê, thể hiện sự thân tình và gắn bó.

Bên ly cà phê luôn cần có những khoảnh khắc tĩnh lặng để nhìn lại, luôn có một người chỉ để cùng nhau khuấy loãng muộn phiền. Chỉ để quý trọng hơn những mối quan hệ thân thiết mà mình đang có.

Có thể bạn quan tâm