Trung Quốc vừa có phát hiện khảo cổ được đánh giá là "quan trọng nhất thế kỷ 21", soi rọi các văn minh cổ đại thế giới.
Mặt nạ vàng khai quật ở Tam Tinh Đôi được xem là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện bảo vật mới tại khu di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi huyền thoại ở tỉnh Tứ Xuyên. Trong số hàng trăm phát hiện khảo cổ ở hố hiến tế số 3, chiếc mặt nạ hoàn chỉnh bằng vàng có niên đại khoảng 3.000 năm đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Chiếc mặt nạ mới được tìm thấy cao 16,5cm, dài 37,2cm, nặng khoảng 100 gram, lớn hơn nhưng nhẹ hơn so với mặt nạ vàng bị vỡ được khai quật từ số hiến tế số 5 hồi đầu năm nay, theo Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên.
Các chuyên gia cho biết, phát hiện này sẽ làm sáng tỏ hơn về nền văn minh Thục quốc cổ đại và sự giao lưu, học hỏi giữa các nền văn minh cổ đại trên thế giới.
Phát hiện khảo cổ mới
Khi mặt nạ vàng được tìm thấy trong hố hiến tế số 3 hồi tháng 6, nó ngập trong bùn. Báu vật bị biến dạng nặng nề và không thể phân biệt được hình dạng.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã cẩn thận lấy nó ra. Sau khi lau chùi qua, một đôi mắt to hiện ra, hóa ra là một chiếc mặt nạ vàng, một trong những chiếc mặt nạ lớn nhất trong nền văn minh Thục cổ đại được khai quật cho đến nay.
Một nhà khảo cổ học làm việc tại hố hiến tế số 8 ở Tam Tinh Đôi, ngày 2.9.2021. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ran Honglin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, là người phụ trách các cuộc khai quật ở khu di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi.
"Theo quan sát của chúng tôi, các đặc điểm trên khuôn mặt và kích thước của chiếc mặt nạ này vàng tương tự những chiếc tượng đầu bằng đồng ở di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi. Chúng tôi suy đoán rằng chiếc mặt nạ vàng này không phải là một hiện vật được sử dụng độc lập mà được dùng để phủ lên chiếc đầu bằng đồng" - chuyên gia cho biết.
Ran nói thêm, về mặt thủ công, chiếc mặt nạ này chưa được chế tác lại hay đúc lại. Vàng rất dễ uốn, và có thể được rèn thành các tấm mỏng và sau đó dát thành hình dạng mong muốn.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều vật phẩm văn hóa quan trọng khác nhau, bao gồm các mảnh mặt nạ bằng vàng, đồ đồng, ngọc bích và đồ trang sức.
Di chỉ Tam Tinh Đôi được một người nông dân tình cờ phát hiện ra khi ông đang đào một con mương vào những năm 1920. Có diện tích 12km2, khu di tích nằm ở thành phố Quảng Sơn, cách Thành Đô khoảng 60km, và được cho là tàn tích của Vương quốc Thục, có niên đại ít nhất 4.800 năm và kéo dài hơn 2.000 năm.
Các nhà khảo cổ sử dụng thiết bị để quan sát hố hiến tế số 6 di chỉ Tam Tinh Đôi, ngày 7.9.2021. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Mặt nạ vàng và nền văn minh cổ đại
Người xưa ở các nền văn minh khác nhau đã rèn mặt nạ từ vàng. Ngoài những chiếc mặt nạ vàng trong nền văn minh Thục cổ đại, mặt nạ Agamemnon được phát hiện tại di chỉ Mycenae của Hy Lạp cổ đại, mặt nạ Pharaoh Tutankhamun ở Ai Cập cổ đại và mặt nạ thần Xipe Totec của người Aztec, Mexico, là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới và là biểu tượng nổi bật của các nền văn minh tương ứng.
"Người Ai Cập cổ đại đặc biệt tôn thờ thần mặt trời. Đeo mặt nạ vàng, người ta sẽ có ngoại hình giống thần mặt trời. Ở Nam Mỹ cũng có tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Điều này cũng giải thích nguồn gốc của mặt nạ vàng ở Hy Lạp, khi thần mặt trời là vị thần chính trong thần thoại Hy Lạp" - Li Xinwei, nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết.
"Rất có thể nền văn minh Thục cổ đại cũng tôn thờ mặt trời. Vì vàng được nền văn minh này coi trọng và dùng để rèn mặt nạ, nên nó có thể liên quan đến việc thờ cúng như vậy" - Li nói thêm.
Nhà khảo cổ học Ai Cập Zahi Hawass cũng tin rằng vàng là đại diện cho mặt trời. "Vàng luôn được kết nối với thần mặt trời và ở Trung Quốc, nó được kết nối với các tín ngưỡng tôn giáo".
Một nhà khảo cổ học làm việc tại hố hiến tế số 8, ngày 2.9.2021. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Học hỏi giữa các nền văn minh
Các chuyên gia từ nhiều nơi trên thế giới nhiệt liệt hoan nghênh phát hiện khảo cổ mới nhất tại Di chỉ Tam Tinh Đôi, lưu ý rằng những phát hiện gần đây là "tin tuyệt vời" đối với cộng đồng khảo cổ học toàn cầu.
Zahi Hawass nói: “Việc phát hiện ra mặt nạ vàng ở Trung Quốc là một trong những khám phá quan trọng nhất của thế kỷ 21".
Mặc dù có vô số điều bí ẩn về cách các nền văn minh cổ đại giao tiếp với nhau, các nhà khảo cổ học tin rằng những khám phá mới ở Tam Tinh Đôi sẽ thúc đẩy cộng đồng khảo cổ học toàn cầu tiến hành nghiên cứu và điều tra sâu hơn, đồng thời tìm hiểu sự phát triển của các nền văn minh cổ đại.
"Các cuộc đụng độ là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của các nền văn minh. Khi các nền văn minh phát triển, các cuộc đụng độ và dung hợp càng trở nên cần thiết. Chỉ với cách tiếp cận như vậy đối với các nền văn minh khác nhau, chúng ta mới có thể xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại" - chuyên gia Trung Quốc Li Xinwei lưu ý.
Theo SONG MINH (LĐO)