Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Cội nguồn bản sắc văn hóa Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Văn hoá là tấm thẻ căn cước của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhoà theo thời gian rồi bị đồng hoá vào một nền văn hoá khác trong những cuộc xâm lăng lãnh thổ dẫn đến xâm lăng và đồng hoá văn hoá.

Trống đồng Cổ Loa, khai quật tại Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) năm 1982. Nguồn: Trịnh Sinh
Trống đồng Cổ Loa, khai quật tại Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) năm 1982. Nguồn: Trịnh Sinh
Bản sắc văn hoá
Nguyễn Trãi (1380 - 1442), anh hùng dân tộc và là danh nhân văn hoá Thế giới đã viết “Bình Ngô Đại Cáo”, mở đầu có đoạn “Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Điều mà Nguyễn Trãi gọi là Văn hiến, chính là Văn hoá của nước Nam, bao gồm cả phong tục. Mà cái văn hoá đó chính là bản sắc của dân tộc, bao đời hun đúc mới thành, khác với văn hoá Phương Bắc.

Trống đồng Cảnh Thịnh được đúc năm 1800. Ảnh: Trịnh Sinh
Trống đồng Cảnh Thịnh được đúc năm 1800. Ảnh: Trịnh Sinh
Nguyễn Trãi đã chứng kiến bao biến động lịch sử trong thời đại của mình. Nhà Hồ mất nước, nhà Minh đô hộ hai chục năm và thời kỳ ông giúp Lê Lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, dựng nghiệp nhà Lê Sơ. Có lẽ vì thế mà ông hiểu rõ “sức dân mạnh như sức nước”. Cái sức dân ở đây là sức mạnh cộng đồng mà cái góp phần làm nên điều đó là văn hoá dân tộc. Nhà Minh cũng hiểu như vậy, nên sau khi chiếm được nước Nam đã ra sức đồng hoá người Việt về mặt văn hoá, nhằm biến mảnh đất này thành một quận huyện của phương Bắc một lần nữa. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn chép lại “Nhà Minh cấm con trai, con gái không được cắt tóc, phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài, đồng hoá theo phong tục phương Bắc”. Nhà Minh đã thực thi chính sách đồng hoá về văn hoá triệt để, thu hết sách vở nước ta, bắt học trò, thầy thuốc mang về Trung Hoa. Chính Nguyễn Trãi theo Lê Lợi đánh giặc là để giữ lại cho nước Nam có được một nền văn hiến độc đáo được vun đắp từ bao đời.
Hoàng đế Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh, tập hợp được sĩ phu và nông dân cũng một phần nhờ đưa ra lời hiệu triệu “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Qua đấy mới thấy vai trò của văn hoá quan trọng nhường nào, phải giữ lại cái “hồn cốt” của người Việt từ phong tục, tập quán, không thể bị hoà tan vào văn hoá Phương Bắc, cũng như để cho thiên hạ biết được nước Việt là của người Việt.

Hoa văn người múa hoá trang trang trí trên trống Kính Hoa. Ảnh: Trịnh Sinh
Hoa văn người múa hoá trang trang trí trên trống Kính Hoa. Ảnh: Trịnh Sinh
Bản sắc văn hoá đã được Nguyễn Trãi và Quang Trung ra sức giữ gìn đã có từ hàng ngàn năm trước đó.
Cội nguồn văn hoá từ thời dựng nước
Các nhà khoa học đã chứng minh thời Hùng Vương ở ta là thời các tộc người Việt cổ cùng chung lưng đấu cật khai thác lưu vực 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Lam, dựng nên nhà nước sơ khai Văn Lang (tồn tại hơn 2.000 năm cách đây, dựa trên nền tảng vật chất là nền văn hoá Đông Sơn). Cội nguồn dân tộc cũng bắt nguồn từ đấy. Đại Việt Sử Lược là quyển sử sớm nhất ở ta cũng ghi rõ thời Hùng Vương “phong tục thuần hậu chất phác”. Sách Lĩnh Nam Chích Quái, biên soạn từ thế kỷ XIV cũng miêu tả đôi nét về đời sống thời dựng nước: Lấy nước cốt gạo làm rượu, đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm, bắc cây làm nhà để tránh hổ sói, cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú, có người chết thì giã cối làm lệnh. Việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân.

Chậu trống có hoa văn người múa hóa trang của hoa văn Đông Sơn niên đại thời Bắc thuộc. Nguồn: Trịnh Sinh
Chậu trống có hoa văn người múa hóa trang của hoa văn Đông Sơn niên đại thời Bắc thuộc. Nguồn: Trịnh Sinh
Thời Hùng Vương dựng nước không chỉ để lại bản sắc văn hoá qua phong tục, tập quán được kể trong thư tịch, truyền thuyết mà còn để lại nhiều di sản văn hoá trong lòng đất mà khảo cổ học khai quật được. Trong đó, tinh tuý nhất vẫn là trống đồng Đông Sơn, được chính người Việt cổ đúc, sản phẩm kết tinh từ kỹ thuật đúc điêu luyện và óc thẩm mỹ tuyệt vời. Trống mang đậm bản sắc văn hoá người Việt với những hoa văn khắc hoạ người Việt đang nhảy múa, chim Lạc giang rộng cánh bay, ngôi nhà sàn mái cong. Không một tộc người cùng thời ở Đông Nam Á nào đúc được những chiếc trống đẹp như vậy. Vì vậy mà trống đồng là biểu tượng cho cả một dân tộc, như sách Minh sử của  Trung Hoa chép lại “trống mất thì vận người Man cũng mất” (người Man là cách gọi có chút miệt thị đối với người Việt phương nam).
Vì nhận thức trống đồng là một sản phẩm văn hoá liên quan đến vận mệnh người Việt nên khi chiếm được nước ta, nhà Hán đã có một chính sách tận diệt trống đồng: Thu vét trống đồng để đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện, tức là muốn đồng hoá người Việt, xoá đi vĩnh viễn cái căn cước của đất nước Văn Lang một thời.

Hoa văn Đông Sơn ở đáy chậu trống thời Bắc thuộc. Nguồn: Lê Văn Lan
Hoa văn Đông Sơn ở đáy chậu trống thời Bắc thuộc. Nguồn: Lê Văn Lan
Tuy nhiên, người Việt đã chống đồng hoá mãnh liệt theo cách của mình: Cất dấu trống đồng, vẫn tiếp tục đúc trống theo mẫu mới (trống loại II Heger, còn gọi là trống Mường) để cung cấp cho nhóm người Việt ở vùng núi, vẫn đúc những sản phẩm còn có những nét đẹp của hoạ tiết trang trí Đông Sơn trên loại hình chậu - trống bằng đồng, tạo ra những chiếc trống bằng gốm mô phỏng trống đồng Đông Sơn. Về mặt phong tục, người Việt vẫn chôn người chết bằng mộ thuyền, dùng đồ dùng bằng đồng tự đúc, vẫn có tục giã cối, ăn cơm nếp... Thậm chí, người Việt vẫn có luật lệ riêng “luật Việt khác 10 điều so với luật Hán”. Tức là văn hoá và phong tục, tập quán của người Việt vẫn như một mạch ngầm chảy suốt thời kỳ ngàn năm bị đô hộ. Nhờ bảo tồn được cái gốc văn hoá mà sau “đêm dài Bắc thuộc”, văn hoá Việt lại phục hưng với kỷ nguyên Đại Việt. Phong tục, tập quán vẫn giữ được những nét xưa. Trống đồng là hồn cốt vẫn được ưa thích. Sứ giả nhà Nguyên sang Thăng Long xem duyệt binh vẫn nghe thấy tiếng trống đồng mà trong lòng run sợ. Vua Lê Nhân Tông khi về quê ở Lam Kinh năm 1456 đã ra “lệnh chỉ” cho đánh trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng. Đến thời Tây Sơn, trống đồng Cảnh Thịnh vẫn được dân làng Ninh Hiệp đúc...

Tượng đồng hình lợn niên đại thời Bắc thuộc. Nguồn: Ảnh trong sách The Bronze Dong Son drums 1989.
Tượng đồng hình lợn niên đại thời Bắc thuộc. Nguồn: Ảnh trong sách The Bronze Dong Son drums 1989.
Trong lúc làn sóng đồng hoá từ cách đây hơn 2.000 năm của Phương Bắc tràn xuống, nhiều cộng đồng người trong nhóm Bách Việt phía nam sông Trường Giang bị đồng hoá, đến nay không còn căn cước văn hoá, thì duy nhất trong nhóm, người Việt cổ vẫn bảo lưu được cái bản sắc văn hoá của riêng mình.
Để giữ gìn bản sắc văn hoá, bao giờ cũng phải đi cùng với độc lập dân tộc. Qua hàng ngàn năm, văn hoá Việt vẫn còn và thử thách vẫn ở phía trước: Hoà nhập mà không hoà tan trong xu thế hiện đại hoá, toàn cầu hoá.
GS.TS TRỊNH SINH (LĐO)
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/coi-nguon-ban-sac-van-hoa-viet-nam-973279.ldo

Có thể bạn quan tâm