(GLO)- Trái cây là loại thực phẩm gần như không thể thiếu đối với mỗi gia đình, thế nhưng những thông tin như: trái cây tẩm hóa chất bảo quản độc hại, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay xuất xứ không rõ ràng khiến nhiều người tiêu dùng bất an. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng trái cây vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.
Xuất xứ “mập mờ”
Mùa hè là mùa thu hoạch của hầu hết các loại trái cây nhiệt đới, ở miền Nam có chôm chôm, xoài, măng cụt; miền Trung-Tây Nguyên có bơ, mít, sầu riêng; còn miền Bắc nào là mận, đào, vải, nhãn… Với nguồn trái cây phong phú, đa dạng như vậy song người tiêu dùng vẫn vô cùng băn khoăn khi chọn mua trái cây trước nhiều thông tin về sầu riêng, mít nhúng hóa chất; cam, mận, đào Trung Quốc trộn lẫn “hô biến” thành mận, đào Sa Pa, cam miền Tây. Thậm chí nhiều loại trái cây trong nước cũng “lập lờ” về xuất xứ…
Một sạp hàng rong bán trái cây trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: D.Q |
Chị Tú Anh (đường Lê Quý Đôn, TP. Pleiku) bức xúc: “Hôm trước, mình mua một miếng mít ở chợ về, nhìn múi mít chín vàng hấp dẫn lắm nhưng khi ăn lại nhạt nhẽo, chẳng có vị gì cứ như mít non, mình nghi trái mít đó bị chín ép bằng thuốc, giờ mua mít cũng phải mua tận vườn mới yên tâm”. Trong khi đó, chị Hứa Thị Điệp-một du khách Hà Nội thắc mắc về giá cả một số trái cây chênh lệch khó hiểu: Tại Hà Nội, mận Sa Pa có giá 30-40 ngàn đồng/kg thì tại Pleiku (cách xa hơn 1.000 km-P.V) giá rẻ đến bất ngờ, chỉ 15-25 ngàn đồng/kg. Tại một sạp trái cây trên đường Nguyễn Thiện Thuật (TP. Pleiku) khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc mận, chủ sạp hàng giải thích một cách “mơ hồ” đây là mận Bắc, mà không nói rõ là của tỉnh nào trồng.
Ngay cả vải thiều, nhiều tiểu thương cũng cố tình “lập lờ” nguồn gốc. Tại một điểm bán trái cây trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) rõ ràng trên kệ có 2 loại vải khác nhau (một loại nhỏ, tròn và một loại to, dài), thế nhưng khi hỏi vải gì, người bán trả lời đều là vải thiều, thậm chí họ còn ghi rõ trên chiếc bảng quảng cáo là “vải Thiều ngọt” và bán đồng giá 35 ngàn đồng/kg, tuy nhiên nếu là vải thiều “xịn” giá phải 50-55 ngàn đồng/kg.
Khó kiểm soát chất lượng
Rất nhiều người tiêu dùng lo lắng về an toàn thực phẩm đối với trái cây, thế nhưng trên thực tế việc kiểm soát chất lượng mặt hàng trái cây hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều đáng nói, trái cây là thực phẩm ăn trực tiếp không qua chế biến, vì vậy nếu chất lượng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Gia Lai, dịp Tết Trung thu năm ngoái, Chi cục cũng tổ chức kiểm tra một số cơ sở. Tuy nhiên, chủ yếu là xử lý đối với một số trường hợp vi phạm do bảo quản không tốt hoặc không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Việc lấy mẫu kiểm định chất lượng trái cây có dư lượng chất bảo vệ thực vật hay có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép gần như ít được triển khai.
Về vấn đề này, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), cho rằng: Công tác kiểm soát chất lượng, nguồn gốc trái cây hiện gặp khó khăn, chồng chéo do phân cấp. Mặc dù các mặt hàng nông-lâm-thủy sản do Chi cục quản lý nhưng đa số mặt hàng trái cây đều bán ở chợ, siêu thị, đây lại là đối tượng thuộc quản lý của Sở Công thương. Hơn nữa, việc công bố chất lượng sản phẩm lại thuộc ngành Y tế… Trong khi nguồn lực tại Chi cục không nhiều, kinh phí hỗ trợ chậm, ít… Vì vậy, việc kiểm tra mặt hàng trái cây chủ yếu là cùng phối-kết hợp với các đoàn liên ngành. Ngoài ra, việc lấy mẫu trái cây để kiểm định cũng khá phức tạp, hiện có gần 100 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, nên không thể kiểm định hết cả 100 hoạt chất trên vì khá tốn kém, thông thường khi nghi ngờ hoạt chất nào thì kiểm định chất đó…
"Hiện Chi cục đang đợi bổ sung kinh phí thực hiện kế hoạch hành động “Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm” trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự kiến kế hoạch sẽ tập trung chủ yếu vào việc kiểm tra, giám sát ô nhiễm hóa học trên các sản phẩm rau, thịt heo”-ông Lê Huy Toàn cho biết thêm.
Dã Quỳ