Kinh tế

Cảnh giác với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên tục trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra nhiều lời cảnh báo của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng rằng, hàng may mặc xuất xứ từ Trung Quốc có chất gây ung thư. Không riêng hàng may mặc, mà trước đó (và cho tới nay) dư luận thị trường trong và ngoài nước cũng cho rằng nhiều loại hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc như trái cây, đồ hộp,  giày dép, thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em… cũng đều có chất gây ung thư.

Quần áo xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán nhan nhản tại Trung tâm thương mại Pleiku. Ảnh: N.G
Quần áo xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán nhan nhản tại Trung tâm thương mại Pleiku. Ảnh: N.G
Tại thị trường Gia Lai, nhiều nhà phân phối, kinh doanh một số mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc cho biết, sau khi có dư luận hàng hóa Trung Quốc chất lượng kém, có chất gây ung thư thì lượng người mua sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở thị trường nông thôn (theo các bài đã viết trên báo Gia Lai gần đây) thì người tiêu dùng và nhà quản lý dường như “chưa hay biết gì” về các thông tin trên, nên hàng hóa Trung Quốc vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Những điều nói trên đặt ra ba việc phải suy nghĩ, đó là: Về phía người tiêu dùng, thiết nghĩ cũng cần phải biết “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Ngày nay từ ngõ ngách hay xóm làng nông thôn gần như nhà nào cũng có một trong những phương tiện ghi nhận thông tin như: Radio, ti-vi, báo giấy, báo điện tử… người dân cần qua các phương tiện thông tin đại chúng đó mà tự tìm cho mình những chỉ dẫn cần thiết cho cuộc sống, không chờ, không ỷ lại “định hướng”, tuyên truyền của chính quyền sở tại…

Về phía nhà sản xuất và phân phối trong nước, dường như thị trường nông thôn chưa được họ để mắt tới? Ngày nay, sau mấy năm gia nhập WTO và hơn 20 năm đổi mới, mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều hướng đến thị trường tiêu thụ, hướng đến các “Thượng đế”. Chúng ta đã có hàng vạn sản phẩm sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, nhưng gần như người tiêu dùng trong nước ít được tiếp cận, phải chăng do một trong những khâu tiếp thị thị trường còn kém? Hàng ngoại (Trung Quốc) kém chất lượng, tác hại xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng có cơ hội chiếm lĩnh thị trường, trước thực tế đó, các nhà sản xuất phân phối hàng nội địa nghĩ gì?

Và cuối cùng là nhà khoa học và nhà quản lý cần khẩn trương vào cuộc, nhanh chóng kết luận chất lượng hàng hóa nhập ngoại có xuất xứ từ Trung Quốc, cảnh báo rộng rãi sự tác hại của nó gây ra cho sức khỏe của con người đến tận từng người dân để tránh tác hại xấu không những cho hiện tại mà cho cả tương lai con em chúng ta các đời sau. Nhà quản lý cũng cần có những chính sách, cơ chế quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu (đặc biệt xử lý nghiêm tệ nhập lậu hàng hóa kém chất lượng) khâu lưu thông, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ của nó và có biện pháp trừng phạt thật nặng những kẻ đem “cái chết dần” về cho dân mình.

Người viết bài này muốn gửi tới người tiêu dùng lời nhắn là hãy cảnh giác với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc khi bước chân tới các cơ sở dịch vụ và muốn sắm cho mình một vật dụng cần thiết, đó chính là “tự cứu mình trước khi trời cứu”!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm