Bạn đọc

Còn đâu vỉa hè cho người đi bộ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, tại nhiều tuyến đường phố chính trên địa bàn TP. Pleiku vỉa hè bị lấn chiếm làm bãi đỗ xe, quán nhậu, bán hàng, họp chợ, tập kết rác... Việc sử dụng vỉa hè sai mục đích không chỉ làm mất chỗ đi dành cho người đi bộ mà còn làm bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, mất an toàn giao thông.

Nỗi buồn “văn minh” vỉa hè

Từ 16 giờ trở đi, những người buôn bán ở chợ Phù Đổng lại tràn ra vỉa hè trước Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai bán hàng. Người bán chiếm hết một đoạn vỉa hè dài chừng 30 mét, còn người mua thì cứ vô tư đứng dưới lòng lề đường mà mua. Vì thế xe cộ lưu thông qua đoạn đường này trở nên chật chội, mất an toàn giao thông. Chợ này đã tồn tại từ lâu, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.

 

Ảnh: Đ.Y
Ảnh: Đ.Y

Việc họp chợ trên vỉa hè còn diễn ra khá phổ biến ở cổng Trung tâm Thương mại Pleiku đoạn đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, đường Nơ Trang Long và ngay đoạn dốc rẽ vào đường tránh Pleiku Quốc lộ 14. Hơn nữa, thời gian gần đây, từ hơn 16 giờ trở đi mỗi lần đi trên vỉa hè đoạn đường Wừu (từ dốc đường Thống Nhất đến ngã rẽ vào đường Đồng Tiến-TP. Pleiku) đều bị bịt kín bởi ô tô và hàng quán. Hai bên vỉa hè, quán ăn, cửa hàng quần áo và các dịch vụ khác mọc lên như nấm. Khổ cho người đi bộ không còn cách nào khác là phải bước xuống lòng đường để tham gia giao thông cùng với các phương tiện khác.

Làm gì để dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè?

Một trong những phường làm khá tốt việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè của người dân phải kể đến phường Diên Hồng (TP. Pleiku). Trao đổi với P.V, ông Vũ Tiến Anh-Chủ tịch UBND phường Diên Hồng, cho biết: Hàng năm, phường đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ, HĐND phường về thiết lập kỷ cương văn minh đô thị gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

 

Cụ thể, phường tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, xe lưu động vào các buổi sáng, trưa, chiều hàng ngày để người dân nhận thức, ý thức trong việc chấp hành thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Cùng với đó, phường và các ban ngành, đoàn thể cùng tổ chức họp ở từng cụm dân cư, trên từng tuyến phố, tiến hành kẻ vạch phạm vi sử dụng vỉa hè theo quy định ở một số tuyến đường, như: Hoàng Văn Thụ, Lê Lai, Đinh Tiên Hoàng. Sau khi kẻ vạch, nếu phát hiện hộ nào vi phạm lấn chiếm vỉa hè lần đầu nhắc nhở, sau 3 lần nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, theo mức phạt tăng dần lên sau mỗi lần vi phạm.

Còn đối với các hộ vi phạm chiếm dụng vỉa hè của các cơ quan, tổ chức, trường học, phường sẽ gửi thông báo đến tổ dân phố, yêu cầu hộ kinh doanh chấm dứt việc mua bán, lấn chiếm vỉa hè trong thời gian từ 15 đến 30 ngày phải di dời, nếu cố tình không di dời sẽ bị phạt hành chính theo từng bậc hoặc kiến nghị với UBND thành phố thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, phường còn tổ chức đối thoại với từng nhóm ngành nghề kinh doanh, như: cà phê, bán hàng rong, trái cây, giày dép để các hộ cam kết không lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời, với các hộ vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm chỉ giới xây dựng hoặc cơi nới làm lều quán hàng ngày sẽ có cán bộ quân dân chính xuống tận nhà dân để vận động tháo dỡ.  Nhờ đó, thời gian qua nhiều hộ đã chấp hành tốt, tuy còn một vài trường hợp cố tình vi phạm đã bị xử phạt và kiểm điểm trước dân, sau đó đã chấp hành.

 

Trước nhiều giải pháp nêu trên, ông Vũ Tiến Anh nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ rằng, việc thực hiện dẹp bỏ vấn nạn lấn chiếm vỉa hè không thể một sớm một chiều mà cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, không dừng ở một biện pháp cứng rắn nào mà sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt. Lấy vận động tuyên truyền làm chính và phải làm thường xuyên, liên tục thì mới có thể thay đổi suy nghĩ của các hộ dân về thực hiện văn minh đô thị”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm