Đón niềm vui đầu năm
Sau hơn 3 năm triển khai thi công, đến thời điểm này, Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông có tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng đã đạt khối lượng trên 98%. Công trình được thiết kế với quy mô đường cấp IV miền núi, chiều dài toàn tuyến là 32,75 km với điểm đầu giao với quốc lộ 25 (thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê) và điểm cuối thuộc địa phận xã Ia Vê (huyện Chư Prông).
Tại tuyến đường liên huyện này-đoạn nối đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) thuộc địa bàn làng Plei Djiêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), từng tốp công nhân đang hối hả hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Một tốp đang san gạt phần lề đường, một tốp đang lu lèn, thảm nhựa mặt đường. Tất cả các phương tiện được huy động tối đa để hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
Tuyến đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân các huyện sống dọc tuyến đường này. Ảnh: M.P |
Ông Rơ Lan Rôm (làng Plei Djiêk) phấn khởi cho biết: Con đường đất sình lầy trước đây được thay thế bởi con đường nhựa phẳng lì, dân làng đều vui mừng. Giờ đây, bà con đi lại trên đường nhựa khang trang, sạch đẹp, không còn lo cảnh bụi lầy bởi nắng, mưa. Giao thông thuận tiện giúp bà con bớt đi nỗi lo tai nạn giao thông do đường xấu.
Với anh Ksor Vin (làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê), con đường hoàn thành giúp dân làng thoát khỏi cảnh mưa lầy, nắng bụi. Trước đây, đoạn đường đất nằm gần mỏ đá khiến đời sống bà con vô cùng khốn khổ mỗi khi xe tải chở đá chạy ngang. Giờ tuyến đường nhựa hoàn thành, bà con xây dựng hàng rào, cổng ngõ thêm khang trang. Anh Vin vui mừng nói: “Trước đây, muốn đi thăm người thân ở thị trấn Nhơn Hòa, mình buộc phải đi vòng lên thị trấn Chư Sê. Còn giờ từ làng đi thẳng, chưa đầy 20 phút đã đến nơi, đường thẳng đẹp, bà con phấn khởi lắm”.
Còn tại làng Plei Kram (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện), từng tốp công nhân đang hoàn thành đoạn đường bê tông tiếp giáp phần thân cầu. Người dân theo dõi tiến độ công trình từng ngày, bởi mong mỏi lâu nay của bà con về cây cầu vững chãi bắc qua sông Ayun đã trở thành hiện thực.
Theo ông Siu Phoan-Trưởng thôn Plei Kram: Lâu nay, bà con di chuyển trên cây cầu bé tí, chỉ cần 1 chiếc xe công nông đi qua thì xe máy không cách nào né được, nhiều trường hợp rơi xuống sông, gãy tay, gãy chân không phải là chuyện hiếm. Việc vận chuyển nông sản của bà con buộc phải đi đường vòng xa gần 20 km.
“Không chỉ người dân xã Ia Yeng mà bà con các xã lân cận của huyện Ia Pa cũng vui mừng vì điều này. Việc vận chuyển hàng hóa nông sản được rút ngắn, bà con không còn sợ bị thương lái ép giá”-ông Phoan chia sẻ.
Động lực cho phát triển
Phấn khởi vì địa phương có cây cầu mơ ước bắc qua sông, ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-cho hay: Bao đời nay, người dân trong xã đi lại trên cây cầu thiếu an toàn. Việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn bởi cầu có trọng tải rất thấp, bà con phải chịu thêm chi phí vận chuyển vì phải đi đường vòng; giá cả vật tư xây dựng theo đó cũng đội lên ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
“Giờ đường sá thuận lợi, có cầu lớn bắc qua sông, giao thương thông thoáng, bà con phấn khởi. Đây cũng chính là một trong những lợi thế giúp địa phương phát triển; đồng thời cũng là bước đệm giúp xã có 94% hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo còn 14% vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững”-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng nhấn mạnh.
Cầu bắc qua sông Ayun kết nối xã Ia Yeng với thị trấn Phú Thiện giúp việc vận chuyển nông sản của người dân được thuận lợi hơn. Ảnh: M.P |
Trong khi đó, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-khẳng định: Tuyến đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối với tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Chư Prông-Đức Cơ tạo thành mạng giao thông khép kín với tổng chiều dài hơn 150 km. Đặc biệt, tuyến đường này còn kết nối quốc lộ 14 với quốc lộ 25 và tuyến đường biên giới trên địa bàn tỉnh sẽ tạo động lực để các địa phương có tuyến đường đi qua bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường, từng bước xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Cụ thể là các dự án: đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Pleiku; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê; đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu quốc lộ 25; đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19); đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông; các dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh như 662B, 663, 664, 665, 666, 669... Hạ tầng giao thông chính kết nối trong tỉnh từng bước hoàn thiện thông qua hệ thống đường tỉnh và đường huyện.
Cùng với đó, mạng lưới giao thông phân bố tương đối hợp lý bao gồm hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn, đồng thời nối với mạng lưới giao thông quốc gia và các tỉnh lân cận, tạo đà cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
“Thời gian tới, ngành Giao thông-Vận tải tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để hoàn thành và đưa hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đích, đặc biệt là Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19), các dự án đường liên huyện: Mang Yang, Đak Đoa và tiếp tục hoàn tất hồ sơ để khởi công các dự án giao thông trọng điểm khác”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải khẳng định.