Phóng sự - Ký sự

Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai: Xót xa nhìn bạch tùng già bị đốn hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ quan chức năng vừa phát hiện hàng chục cây gỗ bạch tùng hàng trăm năm tuổi với đường kính nhiều người ôm tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bị lâm tặc cưa xẻ ngổn ngang. Rừng thông đầu nguồn cũng chung số phận
Sáng 24-11, lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã khoanh vùng và xác định được 6 đối tượng tình nghi liên quan đến vụ phá rừng bạch tùng hàng trăm năm tuổi. Công an huyện Lâm Hà đang tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lâm Hà củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án cưa hạ hàng chục cây bạch tùng hàng trăm tuổi tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn để điều tra, xử lý.
"Hạ sát" hàng loạt cây bạch tùng trăm năm tuổi
Trước đó, vào sáng 23-11, nguồn tin từ người dân phản ánh có vụ phá rừng bạch tùng tự nhiên quy mô lớn, phóng viên Báo Người Lao Động cùng gần 10 đồng nghiệp lên đường từ TP Đà Lạt về huyện Lâm Hà xác thực nguồn tin.
Tại hiện trường - lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn - thật xót xa khi chứng kiến hàng chục cây bạch tùng có đường kính từ 60 - 100 cm, cao hơn 20 m với tuổi đời hàng trăm năm bị cưa hạ, nằm ngổn ngang. "Lâm tặc" dùng cưa máy xẻ gỗ bạch tùng ngay tại rừng tự nhiên, họ chỉ lấy phần lõi gỗ hộp đưa ra khỏi rừng để bán.
Theo quan sát của phóng viên, đây là khu vực tập trung, có thể xem là quần thể bạch tùng tự nhiên tại tiểu khu này. Để lên được khu vực rừng bị phá, phóng viên phải di chuyển bằng xe máy từ đường bê-tông dân sinh ngược lên ngọn đồi cao khoảng 3 km. Theo nguồn tin của phóng viên, đây là con đường độc nhất được các đối tượng phá rừng làm ra để vận chuyển gỗ. Con đường này hướng về thôn 5, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.
Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho biết ngày 17-11, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đạ Đờn kiểm tra lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà) quản lý thì phát hiện vụ việc trên. Qua kiểm tra, đơn vị này xác định đã có 11 cây gỗ bị phá hại, trong đó gỗ de có 4 cây với gần 6,4 m3, gỗ bạch tùng 7 cây với khối lượng hơn 14 m3. Đặc biệt, đã có gần 17,6 m3 gỗ đã được các đối tượng phá rừng đưa ra khỏi hiện trường, chỉ còn 2,889 m3 gỗ tại hiện trường, chủ yếu là phần bìa (vỏ) cây đã được xẻ.
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, cho biết đơn vị này kiểm tra khu vực vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ), Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng tại tiểu khu 249, thì phát hiện 1.555 m3 gỗ bạch tùng (nhóm IV) có cùng chủng loại, chiều dài với lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng nói trên. Sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà đã phối hợp với Công an huyện Lâm Hà lập biên bản, tạm giữ toàn bộ lượng gỗ này, đồng thời lấy lời khai của ông Tuyến. Theo lời khai ban đầu, số gỗ trên ông Tuyến mua của Bùi Minh Chí (38 tuổi, thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ). Bên cạnh đó, Công an huyện Lâm Hà đã xác định 6 đối tượng tình nghi khai thác rừng trái luật và đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc.

 
 
Cây bạch tùng tuổi đời trăm năm tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng bị lâm tặc “hạ sát”
Cây bạch tùng tuổi đời trăm năm tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng bị lâm tặc “hạ sát”
Phá rừng thông phòng hộ đầu nguồn
Hàng trăm cây thông cổ ở các huyện Đam Rông, Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) bị tàn phá để lấy gỗ. Tại tiểu khu 132, thuộc địa bàn xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), lực lượng chức năng phát hiện có tới 6 vị trí bị các đối tượng tác động thiệt hại hàng trăm mét khối gỗ và hàng ngàn mét vuông diện tích rừng bị mất nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Chiều 13-11, ông Mai Chí Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" vừa xảy ra trên địa bàn thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý, lực lượng chức năng phát hiện có 29 cây thông 3 lá thuộc nhóm IV đã bị cưa hạ la liệt.
Trước đó, trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, lực lượng chức năng huyện Lạc Dương phát hiện vụ tàn phá rừng thông tự nhiên nhiều năm tuổi tại lô b, khoảnh 3, tiểu khu 143, xã Đạ Sar, khu vực nằm cạnh Quốc lộ 27C, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Xác minh hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận diện tích rừng bị tác động, tàn phá bằng hình thức khoan lỗ, đổ hóa chất triệt hạ hàng loạt cây thông trên diện tích gần 1.000 m2, làm thiệt hại gần 60 cây thông 3 lá, với trữ lượng gỗ trên 25 m3.
Cũng tại huyện Lạc Dương, ngày 10-11, lực lượng chức năng đã phát hiện một vụ phá rừng lớn tại tiểu khu 132, thuộc địa bàn xã Đạ Sar. Qua xác minh ban đầu, có tới 6 vị trí bị các đối tượng tác động, khối lượng gỗ thiệt hại hơn 140 m3. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại khoảnh 1 và khoảnh 2, tiểu khu 132 (xã Đạ Sar) thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý, có 38 cây thông 3 lá bị đốn hạ, có đường kính gốc trung bình 20-80 cm, khối lượng lâm sản thiệt hại 67 m3, trên 1.200 m2 rừng bị tác động.
Tại khu vực do Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý cũng bị cưa hạ 57 cây, lâm sản bị thiệt hại khoảng 73 m3, diện tích tác động trên 5.500 m2. Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện và Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cũng đã vào cuộc điều tra, truy tìm thủ phạm vụ phá rừng nói trên. 
Các công ty làm mất hàng ngàn ha rừng
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 328 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động về lĩnh vực trồng, phát triển rừng, thế nhưng lại có tới hàng ngàn hecta rừng bị mất sau khi vào tay các doanh nghiệp này. Lâm Đồng có tới hơn 1.700 ha rừng bị mất, đơn vị chức năng lập biên bản xử phạt trên 200 tỉ đồng nhưng lãnh đạo tỉnh này cho biết mới chỉ truy thu được dưới 10% số tiền phạt.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận số vụ phá rừng có giảm trong những năm gần đây nhưng tỉ lệ vụ phá rừng, đặc biệt phá rừng lấy đất sản xuất, thì tăng lên.
Ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhiều nơi để xảy ra mất rừng nghiêm trọng như ở các xã Lộc Ngãi, Lộc Phú thuộc huyện Bảo Lâm.
Bài và ảnh: ĐÌNH THI (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm