(GLO)- Cu Bơ đang chơi thì với tay sang chiếc smartphone của mẹ, lóng ngóng quẹt vuốt, bấm bấm. Tất nhiên là Bơ chưa sử dụng được nhưng chắc chắn đây là những thao tác làm quen với một thiết bị của thời đại khi được quan sát rồi bắt chước những người lớn xung quanh suốt ngày loay hoay với cái điện thoại. Phần lớn thời gian của Bơ ở nhà là chiếc ti vi lớn, gần như chỉ để phục vụ cho nhu cầu nghe nhìn của cậu bé này, khoái nhãn, khoái nhĩ nhất là mấy đoạn phim hoạt hình “cá mập con” (baby shark) được biên tập lại đủ kiểu. Cá mập con bỗng trở thành hit của con trẻ khắp nơi, hễ nhà nào có trẻ là thể nào âm điệu bài hát này ồn ào cả ngày.
Bi là anh Hai của Bơ, học lớp 6, biết dùng Facebook và học online theo yêu cầu của cô giáo. Thế là Bi được ba mẹ trang bị cho 1 cái điện thoại thông minh tầm trung. Tuy nhiên, khi có điện thoại trong tay, Bi sao nhãng việc học, hạn chế tiếp xúc với mọi người, kém năng động hẳn. Không ghiền Facebook như ba mẹ, nhưng games đã hớp hồn cậu bé chỉ sau vài ngày khi có điện thoại, bất cứ lúc nào cũng nghe nheo nhéo âm thanh sắt thép, tiếng nổ ầm ì của một trò chơi chiến đấu nào đó. Cậu bé thậm chí chẳng màng ăn uống khi đến bữa. Khi đi học về, Bi vứt cặp sang một bên là vớ ngay cái điện thoại. Vấn nạn này hầu như có mặt ở mọi gia đình có con trẻ. Thực ra, những điều tích cực được internet mang lại không ít, nhưng cần có sự chọn lọc, trò chơi mang tính giáo dục cũng chẳng thiếu, nhưng lại khó lôi cuốn bằng những game mang tính bạo lực.
Ảnh minh họa: Internet |
Không chỉ tác hại về mặt tinh thần, nhận thức và cả nhân cách, các loại thiết bị điện tử còn ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất nghe nhìn nếu vượt quá giới hạn về thời gian sử dụng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị không nên để trẻ sử dụng các thiết bị có màn hình điện tử quá 1 giờ/ngày. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) trước đây cũng khuyến cáo trẻ em và tuổi vị thành niên không nên xem ti vi quá 2 giờ/ngày. Thực sự không dễ để thực hiện được hạn mức thời gian này. Cu Bơ đã biết mè nheo cầm cái điều khiển từ xa đưa cho người lớn đòi mở ti vi, sẽ hét tướng ầm ĩ nếu không được đáp ứng. Và thường thì người nhà sẽ phất tay buông xuôi, mở cho Bơ xem để tránh... ồn ào! Với Bi, lứa tuổi đã có nhận thức đúng sai cũng không thể dùng giải pháp tước đoạt khi chính cha mẹ đã trang bị cho. Giải thích, thỏa thuận về thời gian, cha mẹ tham gia quản lý thiết bị, kiểm soát nội dung... hoàn toàn không đơn giản chút nào, nhưng rất cần thiết nếu phụ huynh thực sự quan tâm đến sự phát triển đúng hướng của con em mình khi chúng đồng hành với thiết bị điện tử.
Theo kinh nghiệm của một gia đình, việc cha mẹ làm gương trong việc hạn chế sử dụng smartphone là giải pháp đầu tiên, thỏa thuận với con trẻ rằng, tất cả phải đặt thiết bị của mình tại một nơi quy định, chỉ sử dụng khi đã hoàn thành mọi công việc học tập, tham gia làm việc nhà… và phải công khai tại không gian sinh hoạt chung của gia đình. Ông bố của gia đình này còn chia sẻ thêm: Cần hết sức kiên trì, sau một thời gian thì mọi thứ đã đi vào nền nếp. Ít nhất cũng đã yên tâm để chiếc smartphone trên tay trẻ đúng nghĩa là một trợ thủ trong quá trình phát triển của trẻ trong thời đại 4.0.
NGUYỄN SƠN