Ngày 19-2, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai |
Thông tin về Luật Đất đai, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết luật mới gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai 2013, bổ sung mới 78 điều.
Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng nêu một số điểm mới của luật, trong đó tại Chương VI, quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất. Theo ông Ngân, luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp.
Các trường hợp khác bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách. Luật cũng quy định cụ thể căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, luật mới đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở.
Cụ thể hóa nguyên tắc "có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" thông qua quy định tiêu chí khu tái định cư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm thực hiện tái định cư. Khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án.
Với nhóm quy định tài chính về đất đai, giá đất, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết luật đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ. Thay vào đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1-1-2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1-1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất...
Theo ông Lê Minh Ngân, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc thời điểm bảng giá đất được công bố lần đầu và áp dụng vào đầu năm 2026 để có đủ thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, đảm bảo các điều kiện để xây dựng bảng giá đất.
"Luật được Quốc hội thông qua ngày 18-1-2024, nhưng bảng giá đất được công bố lần đầu vào 1-1-2026, như vậy chúng ta có 2 năm để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện"- ông Lê Minh Ngân nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng cho rằng, các địa phương cần sớm tăng cường đầu tư kinh phí, con người, giải pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, các điều kiện để xây dựng bảng giá đất, đảm bảo đến năm 2026 để công bố bảng giá đất lần đầu.
Theo ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 Chương, 210 Điều. Ông Sơn nhấn mạnh việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập thời gian qua.
Đồng thời, tăng cường việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản...