Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Công bố nhiều phát hiện khảo cổ quan trọng ở Hoàng thành Thăng Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nổi bật trong số các phát hiện lần này là chiếc giếng sâu nhất từ trước đến nay mà các nhà khảo cổ tìm được, một chiếc chậu lớn đời Trần miệng rộng 1,2m và một khu mộ đôi bằng gạch.

Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam tại khu vực khai quật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam tại khu vực khai quật. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)



Ngày 22/4 tại Hoàng thành Thăng Long, đoàn khai quật Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và Viện Khảo cổ học công bố nhiều phát hiện mới tại khu vực khai quật rộng gần 1.000m2 phía Đông Bắc của di tích nền điện Kính Thiên.

Nổi bật trong số các phát hiện lần này là chiếc giếng sâu nhất từ trước đến nay mà các nhà khảo cổ tìm được, một chiếc chậu lớn đời Trần miệng rộng 1,2m và một khu mộ đôi bằng gạch.

Nhiều phát hiện quý giá

Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, cho hay trong lớp cắt dày 3,3m, các nhà khoa học tìm thấy 5 lớp văn hóa chồng lên nhau gồm thời Nguyễn, thời Lê trung hưng, thời Lê sơ, thời Trần, thời Lý và thời kỳ tiền Thăng Long.


 

Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, dẫn đoàn chuyên gia khảo sát miệng giếng mới tìm được. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam, dẫn đoàn chuyên gia khảo sát miệng giếng mới tìm được. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)



Cách di tích Hậu Lâu khoảng 10m về phía Đông Nam, đoàn khảo cổ tìm thấy một chiếc giếng xuất lộ ở độ sâu 1,3m so với mặt đất hiện nay. Giếng có độ sâu gần 7m, là chiếc giếng sâu nhất từng được tìm thấy, tiến sỹ Tống Trung Tín khẳng định.

“Năm 1952, tôi cùng tiến sỹ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, từng đào được một cái giếng sâu 5,9m. Đến nay, tôi mới lại thấy có một cái giếng sâu như thế này. Ước tính giếng này sâu hơn độ sâu trung bình của sông Hồng,” ông nhận định.

Thân giếng được đào rất rộng, khoảng 3m, đáy lát các phiến đá bằng phẳng, lòng giếng hình tròn, xếp nhiều lớp đá xanh và cuội suối cỡ lớn rất cẩn thận từng lớp, tạo độ bằng phẳng và tính mỹ thuật cao.

“Đây là cách xây dựng quen thuộc của các di tích thời Trần, thế kỷ 13-14. Chúng tôi phỏng đoán giếng nước này được xây dựng để phục vụ điện Cần Chánh, nơi Vua thiết triều hàng ngày,” tiến sỹ Tống Trung Tín nói.

Ông cho biết thêm rằng trong lòng giếng phát hiện tiền đồng “Cảnh Thịnh thông bảo.” Cảnh Thịnh là niên hiệu từ năm 1793 đến năm 1801 của vua Nguyễn Quang Toản (1783-1802), con của Vua Quang Trung-Nguyễn Huệ. Sự xuất hiện của tiền Cảnh Thịnh ở phần đáy cho thấy giai đoạn này giếng chưa bị lấp.

Cũng tại khu vực này, các nhà khảo cổ tìm thấy một chiếc chậu lớn, đường kính 1,2m, cao 55cm, miệng trang trí hoa mai, hoa sen và liên châu. Đây có thể là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thuộc thời Trần.

Tiến sỹ Tống Trung Tín thông tin về kết quả khai quật:


 

.



"Tại hố sâu nhất của khu di chỉ, đoàn khảo cổ học cũng phát hiện dấu tích nhiều thời kỳ. Ở độ sâu 4,8m, đây là nơi có niên đại phức tạp nhất và khó khai quật nhất," tiến sỹ Tống Trung Tín cho biết.

Tại đây, các nhà khảo cổ cũng đã có một phát hiện lớn nhất trong cả quá trình khai quật thời gian qua, đó là 2 mộ táng gạch thời kỳ tiền Thăng Long.

Hai mộ gạch nằm song song theo hướng Đông Bắc, xây theo kiểu cuốn vòm. Trong khu mộ, phát hiện 3 vò gốm và tiền đồng. Đáng tiếc là ở thời kỳ sau này, có một ngòi nước đi qua nên hiện chỉ còn tìm được thành mộ và đáy mộ.

“Đây là khu trung tâm Hoàng thành, chúng tôi tự đặt câu hỏi tại sao lại có mộ táng ở đây, từ đó có thể cho rằng khu mộ này xuất hiện trước khi có Hoàng thành. Khu mộ ở địa tầng sâu nhất cho thấy dấu tích cư trú của con người khá sớm, từ thế kỷ 4-6, trước thời kỳ Đại La,” ông Tín giả định.

Sáng tỏ thêm giá trị của di sản Hoàng thành

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho biết trong những năm 2011-2020 Viện đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn của Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long” và đã có nhiều thành quả khoa học quan trọng. Trong đó, kết quả nổi bật và quan trọng nhất trong nghiên cứu về di tích là nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long dựa trên vết tích khảo cổ học và manh mối tư liệu lịch sử.


 

 Mảnh hiện vật từ đời Lê có hoa văn rõ nét. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Mảnh hiện vật từ đời Lê có hoa văn rõ nét. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)


Cuộc khai quật năm 2020-2021 đã phát lộ nhiều thông tin mới, góp phần làm sáng tỏ thêm giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong đó, còn nhiều ẩn số cần thảo luận nghiên cứu thêm, chẳng hạn như một kiến trúc hình tròn rất rộng, có vẻ phổ biến trong kiến trúc đời Trần nhưng hiện nay nhóm các nhà khảo cổ chưa biết đó là gì, có chức năng gì trong khu vực Hoàng thành.

“Trên thế giới rất hiếm có Thủ đô nào còn bảo tồn được một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử-văn hóa dài lâu và có các tầng văn hóa chồng xếp, nối tiếp nhau một cách khá liên tục như thế. Đây là một đặc điểm nổi bật, góp phần tạo nên giá trị to lớn và tính độc đáo của khu di tích Hoàng thành Thăng Long mà UNESCO đã công nhận,” ông Bùi Minh Trí nhận định.

Là người theo đuổi khảo cổ học tại Hoàng thành từ những ngày đầu, tiến sỹ Tống Trung Tín khẳng định di tích đang được làm rõ qua từng năm, các nhà khoa học kỳ  vọng sẽ vẽ được toàn bộ mặt bằng Hoàng thành qua các thời kỳ. Tuy nhiên, để tránh việc “thầy bói xem voi,” cần tiếp tục khai quật và tham vấn ý kiến các chuyên gia trong các ngành liên quan.

“Hiện nay chúng tôi ước tính mới khai quật được 7% di tích Hoàng thành, cần tiếp tục nghiên cứu để tiến tới phục dựng một phần nào đó của hoàng cung khi xưa,” tiến sỹ Tống Trung Tín nói./.

Một số hình ảnh tại khu khai quật:


 

 Hình ảnh miệng giếng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hình ảnh miệng giếng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Kiến trúc hình tròn rộng 5m được các chuyên gia xác định là thuộc thời Trần nhưng chưa rõ chức năng sử dụng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Kiến trúc hình tròn rộng 5m được các chuyên gia xác định là thuộc thời Trần nhưng chưa rõ chức năng sử dụng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Dấu tích cột đá. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Dấu tích cột đá. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ảnh: Minh Thu/Vietnam+
Ảnh: Minh Thu/Vietnam+
 Chậu đất nung đường kính 1,2m, lớn nhất từ trước đến nay thuộc thời Trần. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chậu đất nung đường kính 1,2m, lớn nhất từ trước đến nay thuộc thời Trần. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Hình ảnh giả thiết hình dáng chiếc chậu nguyên vẹn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hình ảnh giả thiết hình dáng chiếc chậu nguyên vẹn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Hố khai quật chia thành nhiều tầng văn hóa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hố khai quật chia thành nhiều tầng văn hóa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Hiện nay, hố khai quật này có tổng diện tích gần 1.000m2. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hiện nay, hố khai quật này có tổng diện tích gần 1.000m2. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Những viên gạch thời Nguyễn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Những viên gạch thời Nguyễn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các hiện vật được sắp xếp theo các thời kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các hiện vật được sắp xếp theo các thời kỳ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Hoa văn trên gạch mái thời Lê trung hưng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Hoa văn trên gạch mái thời Lê trung hưng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
 Chiếc chậu thời Trần còn nguyên vẹn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chiếc chậu thời Trần còn nguyên vẹn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)


Theo Minh Thu (Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm