Kinh tế

Doanh nghiệp

Công bố VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Top 10 thuộc Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2021 điểm danh Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
 

 Kiểm tra hệ thống vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Kiểm tra hệ thống vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), ngày 30/11, cơ quan này phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021.

Trong số đó, Top 10 thuộc Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021 bao gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng Sản Việt Nam.

Vietnam Report cũng công bố Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021, bao gồm Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Doji, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, bảng xếp hạng VNR500 đã bước sang năm thứ 15 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp có quy mô lớn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và ổn định, những doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh kiên cường và là đầu tàu của nền kinh tế trong giai đoạn đầy chông gai thử thách do tác động của đại dịch COVID-19.

Bảng xếp hạng VNR500 cũng góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo kết nối với những doanh nhân, học giả... hàng đầu thế giới thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu từ Ban Tổ chức chương trình.

 Ông Vinh cho hay, báo cáo nghiên cứu cũng đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp VNR500. Theo đó, xét về tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân của các doanh nghiệp trong năm nay đã bị giảm hơn so với năm ngoái.

Cụ thể, ROA bình quân của các doanh nghiệp VNR500 năm 2021 đạt 5,31% - giảm 0,42 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020. Chỉ số ROS bình quân cũng giảm xuống 6,15% so với mức 6,58% của năm ngoái.

 

(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)


Ở chiều ngược lại, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân tăng nhẹ từ 16,24% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 lên 16,42% trong năm nay.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu cùng hiệu suất sinh lời trên doanh thu tốt hơn rất nhiều so với hai khu vực kinh tế còn lại là khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.

Đáng ghi nhận là trong khi các chỉ số này của hai khu vực FDI và doanh nghiệp tư nhân đều cho thấy xu hướng giảm nhẹ so với năm trước, thì đối với khu vực kinh tế Nhà nước, các chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng tài sản, vốn, khả năng sinh lời trên doanh thu có dấu hiệu tăng, đặc biệt chỉ số ROS có mức tăng nhiều nhất, 1,82 điểm phần trăm so với Bảng xếp hạng năm 2020.

Bảng xếp hạng VNR500 năm 2021 còn cho thấy, trong khi các ngành như bán lẻ, thép, tài chính và điện đều ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng dương trong Bảng xếp hạng năm 2021 so với năm 2020, thì đa số nhóm ngành còn lại đều chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về tổng doanh thu trong năm qua.

Những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch là vận tải-logistics, khoáng sản-xăng dầu, cơ khí và thực phẩm-đồ uống. Như vậy, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 mới đây đã đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào những khó khăn, thách thức to lớn.

Nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc giảm công suất hoạt động và đối mặt với nguy cơ phá sản khi nguồn lực bị hao hụt. Chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị gián đoạn thậm chí “đứt gãy” do các đợt giãn cách xã hội liên tiếp.

Đặc biệt lưu ý là tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tính chung 11 tháng năm 2021 đang lan rộng với 106,5 nghìn doanh nghiệp, đồng nghĩa với bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đánh giá tổng quan về tác động tiêu cực của đại dịch đối với Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2021, báo cáo của Vietnam Report cũng cho thấy, 48,7% số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, 48% doanh nghiệp bị giảm năng suất lao động và 47,4% doanh nghiệp bị giảm lượng khách hàng so với thời điểm trước khi dịch chưa bùng phát.

Do vậy, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm xuống đáng kể theo đánh giá của 57,9% doanh nghiệp VNR500; đi cùng với đó là 67,1% doanh nghiệp cho biết mức chi phí của họ tăng lên trong thời gian này.

Số liệu thống kê do Vietnam Report thực hiện cũng cho thấy, 270 doanh nghiệp niêm yết đã công bố Báo cáo tài chính quý 3 năm 2021.

Theo đó, 40,4% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng doanh thu trong suốt giai đoạn 2019-2020 và 9 tháng đầu năm 2021; 23,3% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm nay.

Như vậy, có tới 63,7% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu tích cực minh chứng cho những nỗ lực và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp niêm yết trong VNR500 trước những biến động kinh tế-xã hội kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Ngoài ra, 15,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức doanh thu 9 tháng 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Còn lại, 21,1% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với doanh thu giảm 2 kỳ liên tiếp-doanh thu năm 2020 giảm so với năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm