Đây là cơ hội để nhiều nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng có “đất diễn” nhằm vừa giới thiệu, quảng bá vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc, vừa có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), những ngày Tết là dịp để các nhà hàng, khách sạn, điểm, khu du lịch bùng nổ nhiều hình thức kinh doanh, trong đó diễn tấu cồng chiêng, xoang được xem là điểm nhấn nhằm thu hút du khách. Vì thế, hầu hết các đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp nơi đây đều được đặt trước lịch biểu diễn.
Anh A Hai- Đội phó Đội cồng chiêng thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen) cho biết: Đội cồng chiêng của thôn hiện đang nhận được rất nhiều “đơn đặt hàng” từ phía các doanh nghiệp làm du lịch ở thị trấn Măng Đen mời tham gia biểu diễn cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán.Chính vì thế,từ tháng 12 dương lịch, đội đã huy động các thành viên để tập luyện vào tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần. Đến nay, đội đã luyện tập nhuần nhuyễn những bài chiêng, xoang cổ truyền của dân tộc và sẵn sàng phục vụ khách vào ngày Tết.
Cũng theo anh A Hai, chương trình, nội dung lịch diễn mỗi nơi mỗi khác, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Trong những lần biểu diễn cho các sự kiện lớn của địa phương thì dĩ nhiên phải theo lối truyền thống, được đạo diễn dàn dựng bài bản, công phu, có chủ đề. Còn mùaTết, chủ yếu là hoạt động du lịch thì đội biểu diễn theo yêu cầu, phá cách nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm đa dạng của du khách.
Trong khi đó, Đội cồng chiêng thôn Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) ngoài cồng chiêng, xoang, đội còn kết hợp nhạc cụ dân tộc truyền thống để biểu diễn cho du khách vào dịp Tết.
Với sự hòa âm, phối khí hết sức độc đáo của đàn t’rưng, klông pút cùng cồng chiêng và trống, tạo nên không gian nghệ thuật giàu bản sắc tại những điểm, khu du lịch. Chính nhờ yếu tố mới lạ này mà Đội cồng chiêng thôn Kon Chênh rất được nhiều khách hàng lựa chọn, nhất là mùa Tết năm nay. Nghệ nhân A Nuông- Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Kon Chênh chia sẻ: Được đi đánh cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho mọi người nghe là hạnh phúc của tôi, bởi qua những dịp như thế, vốn âm nhạc độc đáo và đặc sắc của cha ông để lại được cổ vũ, thăng hoa. Từ đó, chúng tôi lại có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Bất kỳ ai đến với huyện Kon Plông cũng muốn nghe âm thanh cồng chiêng và một khi được mời đi biểu diễn là dịp để các đội cồng chiêng nơi đây khẳng định vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Về Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) vào dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ được hòa trong tiếng cồng chiêng rộn rã, cùng hân hoan nối nhịp xoang với đồng bào Gié - Triêng.
Đội cồng chiêng làng Đăk Răng được ra mắt từ năm 2010, hiện có 25 thành viên, trong đó 20 người thường xuyên tham gia biểu diễn; đội gồm nhóm đàn ông, thanh niên đánh cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc và nhóm phụ nữ múa xoang. Với tình yêu và trách nhiệm của văn hóa dân tộc, các thành viên đã cùng nhau nỗ lực mang lại sức sống mới cho không gian văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy di sản văn hóa dân tộc. Ngoài việc biểu diễn ở làng, đội còn tham gia phục vụ du khách tại các nhà hàng, điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi vào dịp Tết.
“Hai năm trở lại đây, mỗi thành viên của đội có thêm nguồn thu nhập trong mùa Tết khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày từ biểu diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ khách du lịch. Mỗi dịp Tết, các thành viên rất hào hứng biểu diễn, bởi lẽ, với họ như thế vừa giữ gìn nét truyền thống của dân tộc mình vừa tạo ra thu nhập. Chính vì vậy, tháng cận Tết là các thành viên lại gọi nhau đến nhà rông cùng tập luyện để mang lại màn trình diễn đặc sắc nhất cho du khách”- anh A Vươn, thành viên Đội cồng chiêng làng Đăk Răng cho hay.
Có thể thấy, việc sử dụng cồng chiêng như hoạt động văn hóa để phục vụ cho cộng đồng, khách du lịch cũng là một cách giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của các DTTS trong tỉnh đến với du khách và công chúng rộng rãi hơn.
Theo Mai Vàng (baokontum.com.vn)