Sức khỏe

Dinh dưỡng

Công dụng giảm huyết áp bất ngờ của dưa leo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưa leo chứa nhiều nước. Ngoài tác dụng bổ sung nước và hỗ trợ giảm cân thì dưa leo còn góp phần giảm huyết áp. Lợi ích này có được là nhờ một số dưỡng chất có trong nó.

Những người đang muốn kiểm soát huyết áp thì nên ăn nhiều chất xơ. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Cureus phát hiện chất xơ có tác dụng giúp hạ huyết áp. Dưa leo dù không phải là loại thực vật giàu chất xơ nhưng lại chứa các chất dinh dưỡng khác giúp giảm huyết áp, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Dưa leo giàu kali, loại chất điện giải có tác dụng giúp thận tăng đào thải natri qua nước tiểu

Một trong những lợi ích giúp giảm huyết áp cần nhắc đến đầu tiên của dưa leo là chứa ít natri, giàu kali, magiê, vitamin A, C và K. Khi kết hợp lại, các thành phần dinh dưỡng này, đặc biệt là kali, giúp dưa leo trở thành món ăn lý tưởng cho những người bị huyết áp cao.

Trên thực tế, những người bị huyết áp cao cần giảm natri và tăng lượng kali hấp thụ. Muối rất giàu natri, khi nạp vào sẽ khiến cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích chất lỏng và gây nhiều áp lực lên thành mạch máu. Hệ quả là làm tăng huyết áp. Trong khi đó, kali là chất điện giải có tác dụng giúp tăng bài tiết natri qua nước tiểu.

Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Hypertension đã phát hiện kali có thể được sử dụng như một giải pháp không phải dùng thuốc để giảm huyết áp. Cụ thể, khi natri vào cơ thể với lượng quá nhiều, thường xảy ra do ăn nhiều muối, thì thận sẽ có nhiệm vụ bài tiết lượng natri dư thừa này để điều chỉnh lượng chất lỏng trong cơ thể và duy trì huyết áp.

Kali lại có chức năng giúp thận bài tiết natri dư thừa tốt hơn. Các chuyên gia khuyến cáo một người trưởng thành nên nạp khoảng 4.700 đến 5.000 mg kali/ngày. Một trái dưa leo kích cỡ trung bình chứa khoảng 440 mg kali nhưng chỉ có 45 calo và cực kỳ ít chất béo thực vật.

Có rất nhiều cách để đưa dưa leo vào chế độ ăn hằng ngày. Loại thực vật này có thể dùng làm món ăn nhẹ trong ngày hay ăn kèm trong bữa chính. Dưa leo cũng có thể được rửa sạch rồi ăn tươi hay xào. Đặc biệt, không nên chấm muối khi ăn dưa leo vì sẽ làm giảm tác dụng của kali.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là những người đang uống thuốc làm loãng máu không nên ăn nhiều dưa leo. Nguyên nhân là dưa leo chứa hàm lượng vitamin K cao, có thể gây tương tác với thuốc làm loãng máu, theo Medical News Today.

Theo Ngọc Quý (TNO)

Có thể bạn quan tâm