Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Quốc gia (CSIRO) của Australia đã chỉnh sửa gien thành công một loài muỗi để có thể kháng virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Daily Breeze) |
Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Quốc gia (CSIRO) của Australia đã chỉnh sửa gien thành công một loài muỗi để có thể kháng virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Ngày 17/1, CSIRO thông báo tổ chức này cùng nhà khoa học Omar Akbari từ Đại học California San Diego của Mỹ đã lần đầu tiên tạo ra loài muỗi có khả năng ngăn ngừa lây lan cả 4 chủng virus gây sốt xuất huyết. Các nhà khoa học đã sử dụng những tiến bộ gần đây trong công nghệ chỉnh sửa gien để chỉnh sửa thành công về mặt di truyền học trên giống muỗi Aedes aegypti, bằng cách giảm khả năng mang và truyền nhiễm virus gây sốt xuất huyết.
Đây là cách tiếp cận theo hướng chỉnh sửa gien lần đầu tiên nhằm vào cả 4 chủng virus mang mầm bệnh được đánh giá là quan trọng để ngăn ngừa hiệu quả căn bệnh này.
Nhà nghiên cứu cao cấp tại CSIRO Prasad Paradkar cho biết sốt xuất huyết thường lây lan thành đại dịch tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới, với các đợt bùng phát dịch gần đây xảy ra tại Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và Philippines.
Ông Akbari nhấn mạnh đột phá nói trên mở đường cho nghiên cứu kiểm soát các chủng virus khác lây truyền từ muỗi.
Theo CSIRO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 30 triệu người mắc sốt xuất huyết. Căn bệnh này thậm chí có thể gây tử vong nếu điều trị không đúng cách. Hơn 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và căn bệnh này gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 27,5 tỷ USD mỗi năm.
Theo TTXVN/Vietnam+