Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Công nghệ trí tuệ nhân tạo Trung Quốc: Sự lệ thuộc về công nghệ lõi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo, gọi tắt là AI (Artificial Intelligence) đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền công nghiệp thế giới.
Cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI giữa Mỹ và Trung Quốc đang đến hồi quyết liệt - ẢNH: ARTIFICIALINTELLIGENCE-NEWS
Theo nghiên cứu của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (Anh), AI sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 15.700 tỉ USD vào năm 2030, trong đó, 6.600 tỉ USD là từ gia tăng năng suất lao động và 9.100 tỉ USD trong lĩnh vực tiêu dùng dân dụng.
Với những lợi ích lớn lao như thế, các cường quốc đều tích cực tham gia cuộc đua nghiên cứu và ứng dụng AI. Tháng 7.2017, chính phủ Trung Quốc triển khai kế hoạch thúc đẩy phát triển công nghệ AI với mục tiêu đến năm 2030, Trung Quốc sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này. Theo đó, chính phủ sẽ đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ (330.000 tỉ đồng) cho nghiên cứu AI trong thời gian 5 năm tới.
Trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, mọi sự đều rất thuận lợi cho Trung Quốc trong việc theo đuổi mục tiêu vươn lên hàng đầu thế giới về AI. Nhưng, cuộc chiến không tiếng súng này đã làm bộc lộ ra những nhược điểm nghiêm trọng của nền công nghệ AI Trung Quốc.
Chip GPU của Mỹ là thành phần không thể thiếu của các hệ thống AI, đặc biệt là trong lĩnh vực thị giác máy tính (computer vision) - ẢNH: FOSSBYTES
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), dù Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong công nghệ AI, nhưng họ lại phụ thuộc rất nhiều vào phần cứng của Mỹ. Cụ thể là các chip GPU và FPGA, chip cảm biến, máy chủ AI đều do Mỹ thiết kế và sản xuất. Trung Quốc chỉ có vài hãng như Inspur và Sugon là sản xuất được máy chủ AI, nhưng là theo sự cấp phép của hai hãng Mỹ Intel và AMD. Các phần mềm hàng đầu để thiết kế chip, bí quyết kỹ thuật và máy móc chuyên dụng để sản xuất chip cũng đều của Mỹ hoặc được phía Mỹ cấp phép và chuyển giao công nghệ. Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới trong sản xuất smartphone (90% số lượng), ti vi thông minh (67%) và máy tính cá nhân (65%), nhưng hầu hết con chip để sản xuất các thiết bị nói trên đều do Mỹ sản xuất, năm 2017 Trung Quốc đã nhập khẩu số lượng chip trị giá đến 260 tỉ USD.
Cũng theo South China Morning Post, Trung Quốc lệ thuộc vào các phần mềm cần thiết cho AI của Mỹ. Hiện nay, phần lớn các hãng công nghệ AI của Trung Quốc đều sử dụng hai nền tảng mã nguồn mở (open-source platform) của Mỹ là TensorFlow của Google và Pytorch của Facebook. Đây là hai nền tảng chủ lực cho việc lập trình các ứng dụng AI. Những nền tảng này cung cấp những công cụ và thư viện quan trọng trong lĩnh vực máy học (machine learning và deep learning) để các phần mềm AI hoạt động hiệu quả. Đó là chưa kể các nền tảng mã nguồn mở trọng yếu khác như MXNet và Caffe, cũng đều của Mỹ.
Năm 2016, hãng công nghệ hàng đầu Baidu - được xem là Google của Trung Quốc, đã giới thiệu nền tảng mã nguồn mở PaddlePaddle. Nhưng đến nay, PaddlePaddle vẫn không thu hút được các nhà lập trình trên thế giới. Các đại gia công nghệ Trung Quốc như China Mobile, Meituan, Sogou và JD.com và hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực AI của nước này vẫn trung thành với những nền tảng của Mỹ. Kỹ sư lập trình AI Kuang Kaiming (Trung Quốc) nhận định: “Dùng PaddlePaddle của Baidu giống như ta mua cái smartphone của một hãng sản xuất ít ai biết tới, nó ít tính năng hơn so với sản phẩm của các hãng tên tuổi, lại rất khó tìm mua các linh, phụ kiện”, ám chỉ về sự nghèo nàn trong chức năng, ít các công cụ và thư viện phụ trợ của nền tảng nội địa này.
Việc xây dựng một nền tảng tương tự từ con số không cho đến khi đạt được tầm vóc của TensonFlow và Pytorch sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc và đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi nhất. Các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực công nghệ bao giờ cũng là chuyện dài hơi. Đối với các hãng công nghệ Trung Quốc - với bản tính cố hữu là thiếu sự kiên trì trong nghiên cứu, thì không gì tiện lợi, ít tốn kém và nhanh chóng bằng việc dựa trên những phát minh sẵn có. Đó cũng là nhược điểm cơ bản của cả nền công nghệ Trung Quốc. Tony Han, CEO của hãng ô tô tự hành WeRide (Trung Quốc) nhận định về nếp suy nghĩ phổ biến ở giới công nghệ nước này: “Họ lập luận rằng tại sao phải tốn công hao của để ‘tái phát minh’ cái bánh xe, trong khi người ta đã phát minh ra trước đó và có sẵn để dùng ngay?”. Một yếu tố quan trọng khác làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc yên tâm sử dụng TensonFlow, Pytorch, MXNet và Caffe vì chính phủ Mỹ không cấm việc xuất khẩu các nền tảng mã nguồn mở.
Theo Đồng Phước (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm