Bạn đọc

Công nhân "è cổ" gánh khoán sản lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cây cà phê xấu cho năng suất thấp, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai vẫn chịu mức khoán cao ngất ngưởng từ nhiều năm qua. Trong khi phía Công ty vẫn giữ khư khư phương án theo kiểu chèn ép của mình thì nhiều công nhân đã rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn.

Từ năm 2006, Xí nghiệp Cà phê Vina kinh doanh thua lỗ nên buộc phải giải thể. Toàn bộ diện tích của Công ty này sau đó gọi là Nông trường Cà phê Chư Prông cùng khoản nợ 114 tỷ đồng được sáp nhập vào Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai (Công ty Cà phê Ia Grai) - thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Và để trang trải khoản lãi này Công ty Cà phê Ia Grai đã nâng cao mức khoán hàng năm của công nhân. Mức khoán được ấn định 4,8 tấn/ha/năm (cà phê tươi) đối với người Kinh và khoảng 30% công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ là 3,8 tấn/ha/năm.

 

Năng suất thấp nhưng công nhân vẫn phải đóng khoán cao. Ảnh: Văn Ngọc

Theo công nhân phản ánh, đây là mức khoán quá cao so với những công ty cà phê ở các khu vực lân cận mặc dù năng suất các vườn cà phê kém hơn. Cụ thể như tại Công ty Cà phê Ia Sao I có sản lượng trung bình 14-15 tấn/ha (cà phê trồng năm 1996), nhiều vườn cây tốt lên đến 20 tấn/ha nhưng chỉ áp mức khoán 3,150 tấn/ha/năm. Hay như vườn cà phê của Công ty Cà phê Gia Lai tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cũng có năng suất ổn định 14-16 tấn/ha (cà phê trồng năm 1993) cũng chỉ áp mức khoán là 3 tấn/ha/năm. Trong khi đó, có khoảng 40% diện tích cà phê của Nông trường Công ty Cà phê Ia Grai cho năng suất thấp dưới 10 tấn/ha. Nhiều diện tích rất thấp chỉ từ 6 đến 7 tấn/ha, diện tích cao nhất chỉ khoảng 15 tấn/ha. Theo đánh giá của Công ty Cà phê Ia Grai thì năng suất trung bình đạt 13 tấn/ha.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân năng suất thấp là do các hồ, đập nước tưới đã xuống cấp, bị bồi lấp nên không đáp ứng được việc tưới trong mùa khô, hệ thống sân phơi, kho, ống dẫn nước… không đảm bảo, không được đầu tư sửa chữa. Ngoài ra, công nhân còn bị áp đặt và đánh đồng các quy trình kỹ thuật như tưới nước, hái quả và bón phân dẫn đến việc vườn cây không được cải tạo mà càng ngày càng có dấu hiệu xấu đi. Ông Nguyễn Văn C.- công nhân đội 6 bức xúc: “Cây cà phê do phải chờ nước, thiếu nước nên quả non bị héo, đến lúc hái quả thì lịch hái muộn khiến năng suất quả tươi cũng bị giảm mạnh”.

Với việc năng suất kém nhưng vẫn gánh khoán cao, các công nhân làm việc cật lực cũng chỉ đủ nộp khoán cho Công ty và phát triển vườn cây, không có tích lũy nên đời sống công nhân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhiều công nhân bỗng trở thành con nợ của chính Công ty từ nhiều năm qua với khoản nợ hàng trăm triệu đồng để đầu tư mua phân bón cũng như trang trải cuộc sống. Các khoản tiền theo chế độ, tiền hỗ trợ ốm đau, tử tuất đều bị Công ty trừ dần vào số nợ này. Anh Nguyễn Văn L. - công nhân tại đội 8 chia sẻ: “Ngoài nộp khoán hàng năm,  tôi còn đóng thêm gần 10 triệu đồng tiền bảo hiểm theo mức thợ bậc 3. Công ty ép công nhân phải nhận khoán cao, ai không nhận sẽ bị thu lô. Dù điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận làm cho nông trường là vì không có nghề gì khác, không có đất sản xuất mà đã định cư lâu dài trên địa bàn không thể đi nơi khác”.

Ông Nguyễn Đại Ngọc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai cho biết hiện công nhân của Nông trường Chư Prông nợ ngân sách của đơn vị là 19,6 tỷ đồng năm 2013 và gần 17 tỷ đồng vốn lưu động sản xuất năm 2014. Phương án khoán cứng là 4,8 tấn/năm, nhưng thực thu là mức hơn 7,9 tấn/năm. Ông Ngọc nói: “Sở dĩ mức thực thu này là để bao trừ vào các khoản đầu tư cho vườn cà phê, và các khoản tiền lãi do Công ty vay ngân hàng để mua các sản phẩm chăm sóc vườn cà phê. Mức khoán này không cao so với các khu vực, bởi vì vườn cà phê đẹp và độ tuổi rất trẻ, chỉ khoảng 10% vườn cà phê xấu, kém năng suất. Phương án khoán đã được Tổng Công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt, triển khai thực hiện”. Cũng theo ông Ngọc, hiện nay Công ty cà phê Ia Grai đang phải gánh cục nợ tới 114 tỷ đồng khi sáp nhập Nông trường Cà phê Chư Prông của Xí nghiệp Vina phá sản từ năm 2006 với khoản nợ sinh lãi mỗi năm lên tới khoảng 10 tỷ đồng-đúng bằng số lợi nhuận hàng năm của Công ty. Bởi vậy, những năm qua, Công ty đã không có quỹ phúc lợi khiến các chế độ của công nhân đều bị cắt.

“Chỉ khi vấn đề nợ của Công ty được giải quyết thì chúng tôi mới có thể khoán mức thấp hơn để công nhân có điều kiện phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa thể giải quyết được khoản nợ 114 tỷ đồng”-ông Giám đốc cho biết thêm.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm