Bạn đọc

"Cõng" nước đến trường cho con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được đầu tư xây dựng với tổng số vốn hơn 7 tỷ đồng, công trình Nhà máy nước Ia Pa được người dân khu vực này kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt của họ. Tuy nhiên, trong suốt 7 năm qua, nhân dân vẫn khốn đốn vì thiếu nước sạch.

Ia Pa vào giữa mùa khô, nắng nóng như thiêu đốt, khu trung tâm huyện đóng trên đỉnh đèo Kim Tân đang vào thời kỳ khô hạn. Cây cỏ khô quắt vì nắng. Giếng khoan, bể chứa nước mưa cạn kiệt nước. Cán bộ, công nhân, viên chức và người dân hàng ngày phải chạy vạy múc từng can nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Thậm chí nhiều nơi phải mua nước đóng bình để sử dụng, trong khi Nhà máy nước Ia Pa phập phù hoạt động.

 

Những can nước được phụ huynh học sinh chở đến trường. Ảnh: Nguyễn Tú
Những can nước được phụ huynh học sinh chở đến trường. Ảnh: Nguyễn Tú

Điểm Trường Mầm non Sao Mai (thuộc Trường Mầm non 1-6, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) được xây dựng tại khu vực trung tâm huyện, có 26 cháu, chủ yếu là con của cán bộ, viên chức công tác tại các cơ quan của huyện. Hơn tháng nay, cứ mỗi sáng, khi chở con đến lớp, các phụ huynh “cõng” thêm một can đựng 20-30 lít nước. Từ nguồn nước đó, các cô giáo sử dụng vào việc nấu nướng, vệ sinh trường lớp và vệ sinh cá nhân cho các cháu. Chị Nguyễn Thị Thủy (trú xã Ia Ma Rơn) cho biết: “Cứ mỗi buổi chiều khi đến đón con, chúng tôi phải nhìn bảng thông báo, nếu trường yêu cầu thì hôm sau khi đưa con đến lớp lại chở thêm một can nước. Nhiều hôm quên, đến gần trường phải quay xe về nhà cách đó 10 km chở nước, chở được nước đến trường thì muộn giờ làm”.

Nhận công việc bảo vệ điểm trường hơn 5 năm, ông Trần Nhất Đảng thấm thía những khó khăn vì thiếu nước. Vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần khi nhà máy mở nước, ông thức dậy rất sớm, cố gắng bơm đủ nước vào 2 bồn chứa khoảng 4 m3. Tiếp đến, lấy thêm các thùng, chậu, xoong nồi, hứng nước. Sau đó, múc nước đổ vào một cái bình lọc tự làm, bên trong có bỏ nhiều than đá và cát để lọc lại nước. Nhà máy báo hỏng hóc, ông dán thông báo yêu cầu phụ huy chở nước. “Mình chịu khó một tí để các cháu và thầy cô giáo ở tại khu tập thể trong điểm trường có nước sạch mà rửa ráy, tắm giặt, nấu nướng”-ông Đảng nói.

Theo cô Trịnh Thị Kim Duyên-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-6 thì tình trạng thiếu nước sạch phục vụ nhu cầu vệ sinh cho các cháu tại điểm Trường Mầm non Sao Mai là thường xuyên. Để đủ nước dùng, nhà trường phải vận động các phụ huynh giúp sức. “Rất may là các phụ huynh đồng cảm với khó khăn của trường nên khi nhà trường có yêu cầu, các phụ huynh liền chở nước sạch đến. Nếu không có đủ nước, chúng tôi chỉ còn cách là viết đơn xin tạm dừng hoạt động của điểm trường. Lý do, đặc thù là trường mẫu giáo, đa phần các cháu nhỏ tuổi, hệ thống miễn dịch còn yếu nếu không có nước làm vệ sinh sát khuẩn trường lớp, tắm rửa cho các cháu thì nguy cơ mắc các bệnh dịch là rất cao”-cô Duyên nói. Cũng theo cô Duyên, hiện trường chưa có ký túc xá cho giáo viên. Do đó, nhà trường tận dụng một phòng tại điểm Trường Mầm non Sao Mai làm phòng ở cho giáo viên xa nhà nhưng khi đến mùa khô thì các giáo viên phải đi về, để nhường nước cho các cháu học sinh. Có những giáo viên nhà cách trường 30 km cũng phải đi về, bất đắc dĩ mới phải ở lại. Những hôm ở lại, giáo viên phải chạy xe máy đến các nhà dân cách xa trường từ 5 km đến 10 km xin nước về phục vụ sinh hoạt, hoặc mua nước đóng bình có giá 15-20 ngàn đồng/bình.

 

Bể chứa nước của Bệnh viện huyện Ia Pa đã khô cạn. Ảnh: Nguyễn Tú
Bể chứa nước của Bệnh viện huyện Ia Pa đã khô cạn. Ảnh: Nguyễn Tú

Tại Bệnh viện huyện Ia Pa, tình trạng thiếu nước khiến cho công việc khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện gặp khó trong việc tiêu độc, khử trùng các khoa phòng. Y-bác sĩ và bệnh nhân không nước phục vụ vệ sinh. Hệ thống bể chứa nước xuống đến mức thấp nhất. Các phòng bệnh trở nên vắng vẻ. Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Thiên-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Pa thì khi vào đầu mùa mưa, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện huyện Ia Pa giảm. Dù vậy, vào những ngày nắng nóng số bệnh nhân mắc các bệnh về da liễu có dấu hiệu tăng, trong số này có nhiều bệnh nhân nhi. “Hiện tại tất cả các phòng vệ sinh tại bệnh viện phải khóa cửa. Bệnh nhân bệnh nhẹ xin về nhà hoặc chuyển viện chỉ còn lại một số ít bệnh nhân điều trị nội trú. Chúng tôi vận động cán bộ nhân viên và bệnh nhân dùng nước tiết kiệm, yêu cầu người nhà bệnh nhân mang nước đến viện phục vụ nấu nướng, sinh hoạt”-ông Thiên cho hay.

Thời điểm này đến các trụ sở hành chính của các cơ quan đóng tại khu trung tâm huyện Ia Pa đều dễ dàng nhìn thấy các can chứa nước, hoặc nước đóng bình dựng dọc lối đi. Các hộ dân sống tại khu trung tâm cũng trong tình cảnh tương tự.

Khu trung tâm huyện trên đỉnh đèo Kim Tân có mạch nước ngầm rất thấp, khi đào giếng thường gặp đá bàn. Nhiều giếng sau khi đào xong không thể sử dụng vì nước bị đục, lắng cặn… người dân không dám dùng nước đó phục vụ sinh hoạt, thay vào đó phải mua nước sạch với chi phí cao hoặc phải chở nước từ nơi khác đến.

Nhằm mục đích khắc phục tình trạng thiếu nước, phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội huyện Ia Pa, năm 2007, UBND tỉnh đầu tư xây dựng công trình nhà máy nước sạch tại huyện Ia Pa với công suất 1.000 m3 nước/ngày. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh. Công trình do UBND huyện Ia Pa làm chủ đầu tư, đơn vị thiết kế là Công ty cổ phần Thiết kế Xây dựng Gia Lai, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Vật liệu và Xây lắp Gia Lai. Bao gồm các hạng mục: 1 trạm bơm nước, bể chứa 150 m3; 1 khu xử lý nước và hệ thống đường ống dẫn nước dài 3 km dọc theo tỉnh lộ 662.

Theo thiết kế, nước được hút từ sông Ba đoạn tại làng Blom, xã Kim Tân, sau đó bơm ngược lớn khu xử lý cách khoảng 1 km trên đỉnh đồi phía sau tượng đài ở trung tâm huyện. Sau khi xử lý, nước từ bể chứa theo đường ống dẫn xuống trụ sở cơ quan và dân cư.

Tuy nhiên, kể từ ngày đưa vào hoạt động đến nay, Nhà máy nước hoạt động phập phù. Theo lịch trình vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần, nhà máy sẽ bơm nước và cấp nước nhưng số lần bơm đủ nước đếm trên đầu ngón tay. Thời gian chờ nhà máy hoạt động trở lại tỷ lệ nghịch với cơ số lần nhà máy hoạt động. Vì vậy, việc có đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt của cán bộ, công chức và người dân nơi đây cũng phập phù như nhà máy, nhất là vào thời điểm mùa khô khi nắng nóng kéo dài.

Nước sạch đang là vấn đề nan giải đối với người dân và các công sở đóng tại khu trung tâm huyện Ia Pa. Người dân đồ rằng thiếu nước sạch là nguyên nhân chính dẫn đến việc hơn 10 năm qua kể từ ngày thành lập huyện nhưng khu vực trung tâm huyện chỉ có khoảng 10 hộ dân sinh sống.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm