Kinh tế

Doanh nghiệp

Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Phát triển Miền Núi và Nhà máy Chế biến Tây Nguyên:

Công tác đầu tư đảm bảo quy định của pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi có những thông tin phản ánh về sai phạm tại Dự án Nhà máy điện gió Phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên, Chủ đầu tư khẳng định các hoạt động đầu tư tại 2 dự án trên đúng theo các quy định của pháp luật.

Đảm bảo năng lực tài chính và vốn góp chủ sở hữu

Dự án Nhà máy điện gió Phát triển Miền Núi do Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 1) và Dự án Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên do Công ty cổ phần Năng Lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư (Công ty điện gió 2) được thành lập vào tháng 4-2020 (trụ sở tại 18 Hùng Vương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên. Ảnh: Lê Anh

Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Phát triển Miền Núi và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên. Ảnh: Lê Anh

Qua tìm hiểu, Công ty điện gió 1 có mức đầu tư 1.916 tỷ đồng và Công ty điện gió 2 có mức đầu tư 1.917 tỷ đồng. Cả 2 dự án đều được thực hiện tại huyện Chư Prông, mỗi dự án có công suất 50 MW, tiến độ thực hiện từ tháng 6-2020 đến tháng 11-2021.

Trước một số dư luận về việc doanh nghiệp có nhiều sai phạm, phải chuyển hồ sơ cho Bộ Công an, trao đổi với P.V, đại diện lãnh đạo Chủ đầu tư cho rằng nội dung mà dư luận phản ánh không đúng với tinh thần của Kết luận của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư 2014 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh phải có: “Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 2 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư”. Tuy nhiên, tại thời điểm thành lập Công ty điện gió 1 và Công ty điện gió 2 mới thành lập nên không có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định. Thế nhưng, cả 2 công ty đều có văn bản cam kết hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Vietcombank khi cam kết cho vay 80% tổng mức đầu tư đối với mỗi dự án; cam kết hỗ trợ tài chính của Công ty mẹ là Công ty cổ phần Kinh doanh Phát triển Miền Núi Gia Lai và Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên; cam kết tài chính của nhà đầu tư là Công ty EPVN W2 Company Limited.

Theo đó, tại Công ty điện gió 1, đến thời điểm ngày 31-12-2021 đã đầu tư 1.130 tỷ đồng, năm 2022 đầu tư 380 tỷ đồng và đến ngày 31-12-2023 đầu tư thêm 112 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu là 486,78 tỷ, chiếm 30% tổng vốn đầu tư dự án và vốn vay là 1.134,22 tỷ chiếm 70% tổng vốn đầu tư dự án. Đối với Công ty điện gió 2, đến thời điểm 31-12-2021 đã đầu tư 1.159 tỷ đồng, năm 2022 đầu tư 320 tỷ đồng và đến ngày 31-12-2023 đầu tư thêm 102 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 486,78 tỷ đồng, chiếm 31% tổng vốn đầu tư dự án và vốn vay là 1.094,22 tỷ đồng chiếm 69% tổng vốn đầu tư dự án. Như vậy, cho thấy chủ đầu tư đã đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện và hoàn thành cả hai dự án theo đúng quy định của pháp luật. Thực tế, cả 2 dự án này đều không vay vốn ngân hàng thương mại trong nước.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, về vốn chủ sở hữu thì tại thời điểm thành lập tháng 4-2020, Công ty điện gió 1 và Công ty điện gió 2 vốn chủ sở hữu là 25 tỷ đồng. Để thực hiện các dự án, 2 công ty đã điều chỉnh vốn chủ sở hữu theo từng giai đoạn, tiến độ của dự án để sử dụng nguồn vốn, dòng tiền một cách hiệu quả nhất. Đến ngày 26-10-2021, Công ty điện gió 1 và Công ty điện gió 2 đã điều chỉnh góp thêm và tăng vốn chủ sở hữu mỗi Công ty lên 486.78 tỷ đồng, trên 25% tổng mức đầu tư của hai dự án là đúng quy định của pháp luật.

Còn việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là một hình thức đầu tư hợp pháp, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai chấp thuận, thông báo đáp ứng điều kiện mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Công ty đã thực hiện đăng ký cập nhật thông tin nhà đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật tại cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn thành các nghĩa vụ đối với việc chuyển nhượng cổ phần. Công ty điện gió 1 và Công ty điện gió 2 không thực hiện chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác.

Thực hiện dự án đảm bảo quyền lợi của người dân

Đối với sai phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch khi Công ty điện gió 2 đã bổ sung quy hoạch xã Thăng Hưng (huyện Chư Prông) vào vị trí thực hiện dự án, đại diện chủ đầu tư cho rằng: Ngày 11-11-2019, Công ty điện gió 2 có Văn bản số 31/2019/KD&CBTN về việc đề nghị điều chỉnh bổ sung ranh giới khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án điện gió trên địa bàn các xã: Bàu Cạn, Thăng Hưng (huyện Chư Prông). Đến ngày 19-12-2019, Sở Công thương tỉnh Gia Lai có Văn bản số 1786/SCT-QLNL kiến nghị UBND tỉnh xem xét, đồng ý cho phép Công ty điện gió 2 được điều chỉnh bổ sung ranh giới khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án điện gió trên địa bàn các xã Bàu Cạn, Thăng Hưng. Ngày 26-12-2019, UBND tỉnh Gia Lai có Văn bản số 2975/UBND-CNXD thống nhất chủ trương cho điều chỉnh bổ sung ranh giới khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án điện gió của công ty.

Các cột tháp gió của 2 công ty tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Ảnh: Lê Anh

Các cột tháp gió của 2 công ty tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Ảnh: Lê Anh

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư 02/2019TT-BCT ngày 15-1-2019 của Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió: “Diện tích đất cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió là phần diện tích giới hạn trong ranh giới địa lý được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu đánh giá tiềm năng gió để lập dự án đầu tư điện gió trong một thời hạn cho phép. Diện tích này chỉ được phép sử dụng cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu như xây cột đo gió, khảo sát địa chất, địa hình”. Do vậy, việc địa điểm thực hiện dự án bổ sung phần diện tích đất tại xã Thăng Hưng là phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ đầu tư 2 dự án cũng cho rằng, việc bị chậm tiến độ đưa vào khai thác vận hành theo quy định tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 2 dự án đã bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, 2 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào hoạt động. Đối với số tiền ký quỹ còn lại của 2 dự án hơn 16 tỷ đồng vẫn chưa được hoàn trả, Công ty điện gió 1 và Công ty điện gió 2 sẽ liên hệ cơ quan đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn, thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư 2 dự án khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, có một số người dân trong khu vực bị ảnh hưởng có khiếu nại, khiếu kiện về việc bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, dự án đã giải quyết quyền lợi cho tất cả những người dân bị ảnh hưởng. Chính quyền các xã cũng đã xác nhận hai dự án không còn khiếu nại, khiếu kiện nào của người dân. Riêng về vấn đề sử dụng lao động nước ngoài, chủ đầu tư cho rằng tất cả các hạng mục, công việc xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện thực hiện đều được chủ đầu tư, tổng thầu giao cho nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện. Dự án được ký hợp đồng EPC trọn gói với một nhà thầu nước ngoài là Công ty Sinohydro Corporation Limited nên chỉ có những chuyên gia nước ngoài vào làm việc tư vấn, quản lý do các thiết bị tuabin gió là thiết bị công nghệ cao hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài mà trong nước không sản xuất được, lao động Việt Nam không đáp ứng được.

Cũng liên quan đến những vấn đề về việc thực hiện dự án nhưng chưa được bàn giao đất ngoài thực địa, chưa thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công nhưng đã khởi công xây dựng, chủ đầu tư thông tin: Hai dự án của Công ty điện gió 1 và Công ty điện gió 2 được miễn giấy phép xây dựng theo điểm k khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 và dự án có Hợp đồng EPC với tổng thầu nên không thuộc trường hợp phải lập hồ sơ môi trường theo quy định.

Việc dự án thực hiện thi công khi chưa được phê duyệt bản vẽ thiết kế kỹ thuật là do thời gian xây dựng ngắn và tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chủ đầu tư đã triển khai đối với các hạng mục san lấp mặt bằng trước, trong khi chờ phê duyệt thiết kế. Sở Xây dựng đã xử phạt và dự án cũng đã thực hiện quyết định xử phạt theo quy định. Đến nay, công trình đã được nghiệm thu hoàn thành.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, thông tin chuyển hồ sơ 2 dự án sang Bộ Công an để điều tra là không đúng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến các dự án phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Hiện Công ty điện gió 1 Công ty điện gió 2 mới chỉ được đề nghị phối hợp với các cơ quan ban ngành rà soát các thủ tục pháp lý, hoàn thiện hồ sơ cung cấp thông tin cho Bộ Công an.

Có thể bạn quan tâm