TN - Đất & Người

Công tác giảm nghèo ở Ia Pa: Nhiều khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017, huyện Ia Pa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Ia Pa vẫn là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn của tỉnh và công tác giảm nghèo của huyện vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Gia đình anh A Khởi trước đây thuộc diện hộ nghèo của thôn Ma Rin 3 (xã Ia Ma Rơn) do không có ruộng nương, không có vốn đầu tư chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chăm chỉ lao động, đến nay, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định và thoát nghèo. Anh A Khởi tâm sự: “Nhờ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở và 1 con bò giống, gia đình đã có vốn để làm ăn. Cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định, con cái được học hành đầy đủ”.

 

Gia đình anh A Khởi (thôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) thoát nghèo nhờ hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: Như Loan
Gia đình anh A Khởi (thôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) thoát nghèo nhờ hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: Như Loan

Theo báo cáo của UBND xã Ia Ma Rơn, trong năm 2017, toàn xã có 190 hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 6,26%. Đây được xem là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo của huyện Ia Pa. Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng hiệu quả các mặt hàng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: bò, dê, phân bón, giống cây trồng… Đồng thời, xã cũng triển khai thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo như: Chương trình 30a, Chương trình 135... Ông Tăng Xuân Duẩn-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, cho biết: “Ngay từ đầu năm, xã đã tập trung kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo; kiểm tra, rà soát tình hình hộ nghèo; phân công cụ thể cho từng thành viên phụ trách các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao và những hộ có nguy cơ tái nghèo. Đồng thời, phân công cụ thể cho hệ thống chính trị thôn kèm cặp, giúp đỡ, tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Xã Ia Broăi cũng là một trong những địa phương có số hộ thoát nghèo tương đối cao của huyện Ia Pa trong năm 2017. Tuy nhiên, con số 58/334 hộ thoát nghèo năm 2017 chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là do số hộ tái nghèo và số hộ nghèo phát sinh của xã còn cao. Ông Tô Văn Hữu-Chủ tịch UBND xã Ia Broăi, chia sẻ: “Hiện nay, khó khăn nhất đối với xã trong công tác giảm nghèo là các hộ nghèo thiếu công lao động, tư liệu sản xuất. Bên cạnh đó, xã nằm trong vùng thường xuyên bị lũ lụt ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ dân. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo vẫn còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không tự giác vươn lên trong cuộc sống”.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện Ia Pa vẫn chiếm tới 27,85%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao là do một bộ phận người dân chưa tích cực trong lao động sản xuất để vươn lên mà còn trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xóa đói giảm nghèo, dẫn đến quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Cùng với đó, do thời tiết diễn biến thất thường nên việc sản xuất của bà con cũng không mấy thuận lợi, bệnh hại hoành hành trên một số loại cây trồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của người dân.

Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, cho biết: “Để khắc phục những mặt tồn tại trên, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, huyện sẽ chỉ đạo, phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện phụ trách xã để giúp các xã làm tốt hơn công tác giảm nghèo”.

Như Loan

Có thể bạn quan tâm