Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Công tác giáo dục truyền thống ở Lữ đoàn 273

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm phát huy sức mạnh truyền thống trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị, những năm qua, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) đã có nhiều cách làm sáng tạo để giáo dục, rèn luyện ý chí quân nhân.

Không giáo dục truyền thống cho quân nhân theo kiểu khô khan, cứng nhắc bằng giáo trình, tài liệu hay con số, cách làm của Lữ đoàn 273 vừa mang tính trực quan sinh động, giàu hình ảnh, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cao giúp bộ đội dễ nhớ, nhớ lâu và nhớ sâu.

 

Hội Phụ nữ Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 giáo dục truyền thống qua mô hình xe tăng. Ảnh: A.H
Hội Phụ nữ Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 giáo dục truyền thống qua mô hình xe tăng. Ảnh: A.H

Chỉ cần đi tham quan một vòng quanh khuôn viên đơn vị, chúng tôi cũng phần nào nắm được những thành tích nổi bật, những chiến công tiêu biểu của một số kíp xe tăng. Nói như vậy là vì, những chiến công của từng kíp xe tăng cứ hiển hiện trước mắt chúng tôi trên từng tuyến đường trong khuôn viên doanh trại. Nào là đường xe tăng 377, đường xe tăng 980, đường xe tăng 021… Đặc biệt, trên từng tấm bảng ghi tên đường ấy còn tóm tắt thành tích nổi bật của từng kíp xe. Dừng chân trước tấm bảng ghi tuyến đường mang tên 3-2, Thượng tá Phạm Văn Tới-Phó Chính ủy Lữ đoàn, tự hào khoe: “Cách đây 12 năm, Lữ đoàn là đơn vị đầu tiên trong Quân đoàn lấy tên các kíp xe tăng làm tên các tuyến đường nội bộ để giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống một cách trực quan cho bộ đội”.

Hiện nay, đơn vị có 6 tuyến đường nội bộ mang tên các kíp xe: 985, 979, 814, 021, 377, 980. Đây đều là các kíp xe đã anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Nói về tuyến đường 3-2, Phó Chính ủy Phạm Văn Tới cho hay, ngày 3-2 cách đây 44 năm, Trung đoàn Tăng Thiết giáp (nay là Lữ đoàn) được thành lập tại huyện 67 (nay là xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Với nhiều thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia, Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 5 đại đội, 2 kíp xe và 4 cá nhân cũng được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại úy Huỳnh Quang Thân-Trợ lý Tuyên huấn Lữ đoàn, cho biết, với cách đặt tên đường gắn với tên từng kíp xe kèm theo đó là những thành tích, mốc thời gian được viết to, ngắn gọn, rõ ràng giúp bộ đội có thể học mọi lúc, mọi nơi. Bằng chứng là dù mới tham gia huấn luyện tại đơn vị chưa đầy 3 tháng, ấy vậy mà khi được hỏi bất chợt về thành tích của xe tăng 377, Binh nhì Võ Thanh Hưng-Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 đọc vanh vách rằng: Ngày 24-4-1972, xe tăng 377 thuộc Trung đội 2, Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 tham gia chiến dịch Đak Tô-Tân Cảnh do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển-Trung đội trưởng chỉ huy đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt 7 xe M41 của địch trong trận đánh, lập chiến công đặc biệt xuất sắc.

Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển và tập thể kíp xe 377 đã nêu lên một tấm gương sáng, điển hình về tinh thần kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu “Còn một xe cũng tiến công địch, còn một người cũng tiêu diệt quân thù”. Đứng ngay bên cạnh, Binh nhì Lê Quốc Đạt nói thêm: Năm 2009, kíp xe 377 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ghi nhớ chiến công của các anh, xe tăng 377 đã được đặt bên tượng đài giữa trung tâm thị trấn Đak Tô, nơi các anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. “Ngoài kíp xe 377, em còn nhớ được chiến công của kíp xe nào khác không?”-tôi hỏi. Binh nhì Lê Quốc Đạt nhanh nhảu: “8 giờ ngày 29-4-1975, trận chiến đấu chốt giữ Cầu Bông, mở đường cho Binh đoàn giải phóng Sài Gòn, kíp xe 021 do Trung đội trưởng Nguyễn Quang Hổ chỉ huy đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy 7 xe bọc thép M113 của ngụy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...”. “Chắc các em phải học nhiều lắm mới có thể nhớ được thành tích của từng kíp xe?”-tôi hỏi tiếp. Trả lời cho câu hỏi ấy, Binh nhì Võ Thanh Hưng tự tin: “Mỗi ngày đi qua các tuyến đường đều có ghi chiến công của từng kíp xe nên tụi em quen mắt, rồi nhớ và tò mò tìm hiểu để biết nhiều hơn. Có khi, người này biết chỉ người kia, thành ra mọi người đều thuộc”.

Bên cạnh các tấm bảng ghi tên đường, trong khuôn viên Lữ đoàn và phía trước mỗi đại đội còn có các mô hình xe tăng do cán bộ, chiến sĩ thiết kế, xây dựng giống như xe tăng thật. Các mô hình xe tăng này được đặt trên các bệ xi măng để ở giữa khuôn viên hoặc ngay phía trước nhà đại đội. Phía trước bệ xi măng có ghi khẩu hiệu truyền thống của bộ đội Tăng-Thiết giáp: “Đã ra quân là đánh thắng”, phía sau hoặc bên hông ghi số hiệu và tóm tắt thành tích, truyền thống của kíp xe. Tại các nhà nấm, nhà bát giác-nơi cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ học tập, huấn luyện-của từng đại đội cũng có treo những tấm bảng màu đỏ, ghi rõ ràng, đầy đủ truyền thống của từng đơn vị.

Theo Đại úy Huỳnh Quang Thân, ngoài ý nghĩa giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống thì việc gắn các tấm biển chỉ tên đường, xây dựng các mô hình xe tăng đặt trong khuôn viên hay dựng các tấm pa nô, khẩu hiệu… còn góp phần tạo sự hài hòa trong xây dựng cảnh quan môi trường và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị và ra sức học tập, thi đua, rèn luyện để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm