Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Công ty 72 hỗ trợ người dân vùng biên phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công ty TNHH một thành viên 72 (Công ty 72) là một trong những đơn vị được thành lập khá sớm của Binh đoàn 15 và gắn bó trên vùng biên giới của tỉnh Gia Lai hàng chục năm nay. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo quốc phòng-an ninh, Công ty còn giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng vùng biên giới ngày càng khởi sắc.

Những ngày này, trên diện tích cao su tái canh của Đội sản xuất 711 (Công ty 72), tiếng máy gặt lúa, tiếng nói cười của người dân luôn rộn vang. Nâng trên tay những bó lúa trĩu hạt, chị Rơ Châm Diu (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) không giấu được sự xúc động: “Mình cảm ơn Công ty 72 nhiều lắm. Đơn vị đã cho mình mượn hơn 1,5 ha đất tái canh cây cao su để trồng lúa. Vụ này, mình thu hoạch được hơn 4 tấn lúa”.

Gia đình chị Rơ Châm Diu (bìa trái; làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) thu hoạch lúa trên diện tích đất cao su tái canh do Công ty 72 cho mượn. Ảnh: V.H

Gia đình chị Rơ Châm Diu (bìa trái; làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) thu hoạch lúa trên diện tích đất cao su tái canh do Công ty 72 cho mượn. Ảnh: V.H

Cách đó không xa, gia đình anh Rơ Lan Nguyên (trú cùng làng) cũng tất bật đưa lúa lên xe chở về nhà. “Năm nay, mình được Công ty cho mượn 2 ha đất tái canh cao su để trồng lúa. Trước đó, năm 2021, mình cũng được đơn vị cho mượn 3 ha đất. Nhờ đó, gia đình không chỉ đủ lúa ăn mà còn giúp đỡ nhiều người trong làng”-anh Nguyên phấn khởi nói.

Không chỉ các hộ dân ở làng Bua, trong thời gian đang tái canh cao su, Công ty 72 đã cho hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên vùng biên giới mượn đất để trồng lúa, hoa màu và các cây ngắn ngày khác. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng khởi sắc. Cụ thể, năm 2021, Công ty cho 300 hộ mượn 324 ha, năm 2022 cho 550 hộ mượn 395 ha, năm 2023 cho 754 hộ mượn gần 500 ha đất để trồng trọt. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn khai hoang đất, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.

Thượng tá Hà Trọng Bảo-Giám đốc Công ty-cho biết: Đơn vị có các đội sản xuất trải dài trên địa bàn 3 xã biên giới Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và một phần xã Ia Kla, thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ với 18 điểm dân cư xen kẽ với các thôn, làng. Cùng với đó, Chi nhánh Campuchia cũng có các đơn vị đứng chân trên 7 xã thuộc 2 huyện Oyadav và Bo Keo (tỉnh Ratanakiri). Thực hiện phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, đơn vị luôn quan tâm giúp đỡ các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tạo nên thế trận vững chắc về quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới.

Với đặc thù vườn cây cao su nằm trải dài dọc vành đai biên giới, Công ty 72 đã thực hiện hiệu quả mô hình mỗi đội sản xuất là một cụm điểm dân cư. Hiện Công ty đã bố trí được 18 điểm dân cư với hơn 2.000 hộ gia đình xen kẽ với các thôn, làng tạo nên một vành đai biên giới rộng lớn, chạy dài trên 30 km, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sản xuất, vừa đảm bảo thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong khu vực. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư làm mới, sửa chữa trên 96 km đường dẫn đến tất cả các thôn, làng, cụm dân cư trên địa bàn; xây dựng 122 cầu, cống phục vụ sản xuất, dân sinh và quốc phòng-an ninh. Công ty cũng đầu tư xây dựng đường điện trị giá trên 100 tỷ đồng đến khu dân cư mới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống trường học, nhà trẻ, nhà ở tập thể, bệnh xá, hệ thống lọc nước để phục vụ nhu cầu công tác, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên và người dân trong vùng; xây dựng hàng trăm nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Nhà chính sách”, “Nhà mái ấm tình thương”, nhà ở công nhân… trị giá trên 20 tỷ đồng.

Mô hình hũ gạo gắn kết của Công ty 72. Ảnh: Vĩnh hoàng

Mô hình hũ gạo gắn kết của Công ty 72. Ảnh: Vĩnh hoàng

Những năm qua, Công ty đã tổ chức cho 14 đội sản xuất kết nghĩa với 14 làng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức cho 1.216 hộ người Kinh gắn kết với 1.216 hộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, các hộ người Kinh đã kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ các hộ người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Trong 12 năm qua, đơn vị duy trì có hiệu quả “Hũ gạo gắn kết”. Nhờ đó, đơn vị đã huy động được 100 tấn gạo để hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới.

Đánh giá về những đóng góp của Công ty 72, ông Phạm Văn Cường-Bí thư Huyện ủy Đức Cơ-cho biết: Công ty 72 là một trong những đơn vị tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào dân vận. Đơn vị đã cho người dân mượn đất tái canh cây cao su để canh tác; hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần hiệu quả vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn biên giới. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn ghi nhận sự giúp đỡ ấy.

Có thể bạn quan tâm