Kinh tế

Doanh nghiệp

Công ty Cao su Chư Pah: Chăm lo đời sống người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù giá cao su liên tục giảm khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah vẫn quan tâm thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao đời sống cho người lao động.
Sau khi lập gia đình, anh Rơ Châm Weoh (công nhân tổ 7, Nông trường Cao su Ia Nhin) được bố mẹ cho 1 ha cà phê và 4 sào lúa để làm vốn phát triển kinh tế. Theo anh Weoh, ngoài thiếu kinh nghiệm chăm sóc cà phê, việc thiếu vốn đầu tư phân bón là lý do chính khiến vườn cây cho năng suất thấp, mỗi năm chỉ mang lại nguồn thu 40-50 triệu đồng, cuộc sống gia đình vì vậy luôn thiếu trước hụt sau. Mọi việc chỉ thay đổi kể từ khi vợ chồng anh cùng vào làm công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah. Không chỉ có nguồn thu ổn định trên 12 triệu đồng/tháng từ tiền lương, vợ chồng anh còn được vay 3 triệu đồng từ quỹ phúc lợi của Công ty để phát triển sản xuất. Từ khi được đầu tư phân bón, vườn cà phê của anh cho năng suất cao nên thu nhập được cải thiện đáng kể. “Nhờ có nguồn thu ổn định từ tiền lương và bán sản phẩm cà phê, tôi có điều kiện nuôi các con ăn học, mua thêm được 8 sào cà phê. Trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình trên 270 triệu đồng”-anh Weoh vui vẻ cho biết.
 Ngoài tiền lương công nhân, mỗi năm anh Weoh còn thu hàng trăm triệu đồng từ vườn cà phê. Ảnh: N.H
Ngoài tiền lương công nhân, mỗi năm anh Weoh còn thu hàng trăm triệu đồng từ vườn cà phê. Ảnh: N.H
Cũng như anh Weoh, kinh tế gia đình chị Rơ Châm Prin (công nhân tổ 6, Nông trường Cao su Ia Nhin) cũng khởi sắc hơn kể từ khi 2 vợ chồng cùng vào làm công nhân. Đặc biệt, vốn có tay nghề cạo mủ vững, đảm bảo quy trình kỹ thuật nên vợ chồng chị luôn hoàn thành vượt sản lượng giao. Từ đó, mức lương trung bình của 2 vợ chồng đều trên 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình chị cũng được Công ty hỗ trợ cho vay từ quỹ phúc lợi để mua phân bón chăm sóc 1 ha cà phê. Có tiền dành dụm, anh chị mua thêm 1,6 ha cà phê và 4 con bò làm vốn phát triển kinh tế. “Trước đây, nhà mình thuộc diện nghèo. Từ năm 2011, vợ chồng mình vào làm công nhân cho Công ty nên có thêm nguồn thu để trả nợ và được công nhận thoát nghèo. Không chỉ vậy, mình còn mua thêm được đất trồng cà phê. Bây giờ mỗi năm gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng từ tiền lương và bán sản phẩm cà phê”-chị Prin cho hay.   
Không chỉ giúp công nhân vay vốn từ quỹ phúc lợi để phát triển sản xuất, thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah còn vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Công ty đóng góp tiền xây nhà “Mái ấm công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ năm 2012 đến nay, có 8 công nhân được hỗ trợ xây dựng nhà ở với số tiền trung bình 35 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Riêng năm 2018, Công ty đã chi tiền thưởng nhân các ngày lễ lớn trong năm là 30,7 tỷ đồng; chi khen thưởng cho người lao động vượt sản lượng giao khoán với số tiền trên 3 tỷ đồng; chi bồi dưỡng độc hại, ăn giữa ca với tổng số tiền trên 21,88 tỷ đồng; khám sức khỏe định kỳ cho 2.145 lượt người; đào tạo tay nghề cho 479 công nhân...  Ngoài ra, Công ty còn tổ chức 14 lượt đối thoại tại các đơn vị trực thuộc với 1.125 lượt công nhân tham gia để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời hỗ trợ.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết, hiện nay, giá mủ cao su vẫn khá thấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất-kinh doanh của Công ty. Do vậy, để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất-kinh doanh, Công ty tiếp tục thực hiện tốt việc tiết kiệm, quản lý giá thành; phát động phong trào thi đua “tăng gia sản xuất” bằng hình thức cho công nhân trồng xen canh cây ngắn ngày vào vườn cao su tái canh, cho vay luân phiên từ nguồn quỹ phúc lợi giữa các công nhân với số tiền 3-10 triệu đồng/người để đầu tư phát triển kinh tế phụ. “Tới đây, Công ty cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quan tâm giúp đỡ người lao động, đặc biệt là công nhân người dân tộc thiểu số về nhà ở, vốn, kỹ thuật tay nghề, qua đó nâng hiệu quả công việc, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên và người lao động trong Công ty”-ông Luyến cho biết thêm.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm