Kinh tế

Doanh nghiệp

Công ty Cao su Chư Prông: Hiệu quả từ phong trào "Giúp nhau trở thành thợ giỏi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 2 năm phát động phong trào thi đua “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”, số lượng công nhân khai thác mủ cao su có tay nghề khá giỏi ở Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông tăng nhanh, từ đó năng suất lao động, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao.
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông hiện có 1.307 công nhân khai thác mủ, trong đó có 976 công nhân dân tộc thiểu số. Đơn vị đang khai thác 5.168,8 ha cao su. Hàng năm, trước khi bước vào vụ khai thác, Công ty mở các lớp đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ thợ cạo để nâng cao tay nghề. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng công nhân cạo sai độ dốc, cạo phạm và lượn sóng trên thân cây làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây. Nhằm hạn chế tình trạng này, đầu năm 2019, Công đoàn Công ty đã phát động phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”. Phong trào đã được đông đảo công nhân hưởng ứng và cứ 1 thợ cạo giỏi được phân công giúp đỡ 2-3 thợ có tay nghề yếu hơn.
Anh Bùi Mạnh Hùng-công nhân Đội 6 (Nông trường Thanh Bình) chia sẻ: “Để có đường cạo chuẩn và đẹp, ngoài việc thuộc nằm lòng kiến thức về kỹ thuật khai thác, tôi còn rèn luyện kỹ năng cho đến khi trở thành thói quen”. Được Nông trường phân công giúp đỡ 2 công nhân: Rơ Mah Liên, Rơ Mah Chang nâng cao tay nghề, anh Hùng đã xây dựng kế hoạch và nhiệt tình hướng dẫn với mong muốn, mỗi công nhân đều trở thành thợ giỏi thì tập thể sẽ giỏi, mỗi công nhân đều đạt và vượt sản lượng giao khoán thì đơn vị sẽ trở thành đơn vị dẫn đầu về sản lượng. “Mỗi sáng, tôi luân phiên đi khai thác cùng 2 công nhân. Trong quá trình khai thác, tôi uốn nắn lại tư thế đứng, di chuyển theo đường cạo, sử dụng đót để kiểm tra độ sâu đảm bảo theo đúng quy định”-anh Hùng bộc bạch. Nhờ được hướng dẫn tận tình, cả 2 công nhân đều trở thành thợ khá và sản lượng mủ khai thác vượt chỉ tiêu giao khoán. Chị Rơ Mah Chang bày tỏ: Từ khi được anh Hùng giúp đỡ, chị đã không còn bị xếp loại tay nghề kém nữa. Sản lượng mủ khai thác năm 2019 của chị đạt 105% kế hoạch.
 Anh Bùi Mạnh Hùng-công nhân Đội 6 (Nông trường Thanh Bình)- hướng dẫn chị Rơ Mah Chang kỹ thuật khai thác mủ cao su. Ảnh: Anh Huy
Anh Bùi Mạnh Hùng-công nhân Đội 6 (Nông trường Thanh Bình)- hướng dẫn chị Rơ Mah Chang kỹ thuật khai thác mủ cao su. Ảnh: Anh Huy
Tương tự, gắn bó với Đội 28 (Nông trường An Phú) từ năm 2010 đến nay, công nhân Rơ Mah Nong cũng cho rằng, việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình khai thác mủ cao su quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất của người lao động. Với vai trò là nhân tố tích cực trong phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, chị Nong luôn vận động công nhân quan tâm, chăm sóc tốt vườn cây từ khâu làm cỏ đến bón phân, chống cháy, bôi thuốc mặt cạo; không ngừng luyện tập tay nghề ngay tại vườn cây và yếu khâu nào thì luyện khâu đó; luôn đi cạo đúng giờ, không bỏ cây cạo, bỏ phần cạo hoặc bỏ phiên cạo thì mới tận thu hết được năng suất của vườn cây... Bản thân chị cũng nhận giúp đỡ 2 công nhân khai thác mới, tay nghề chưa cao. Chị Nong chia sẻ: “Mình cũng luôn trao đổi với các công nhân rằng, đường cạo có thể chưa đẹp nhưng phải đúng và chuẩn. Quá trình khai thác mủ phải tập trung vào công việc, không được vội để tránh cạo phạm vào thân cây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây”.
Nói về hiệu quả của phong trào thi đua “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”, ông Lương Quang Hiến-Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-nhấn mạnh: Phong trào đã giúp đỡ nhiều công nhân trở thành thợ khá và sản lượng đều đạt, vượt chỉ tiêu giao khoán, chất lượng vườn cây được nâng lên, đảm bảo cho cả chu kỳ khai thác có năng suất cao, bền vững. Tỷ lệ công nhân có tay nghề khá, giỏi bình quân trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 75,77% (tăng 3,24% so với cùng kỳ năm 2019) và tỷ lệ thợ trung bình, kém giảm tương ứng.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm