(GLO)- Với đặc thù tính chất công việc, người lao động trong ngành điện thường xuyên phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm. Chính vì thế, thời gian qua, Công ty Điện lực Gia Lai luôn ưu tiên hàng đầu cho công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Cho tới bây giờ, nhiều người trong ngành vẫn còn nhớ trường hợp tai nạn dẫn đến cái chết của anh H.C.T.-công nhân thuộc Điện lực Chư Prông. Một ngày đầu tháng 8-2019, anh T. cùng những công nhân khác nhận nhiệm vụ khắc phục sự cố tại một trụ điện trên địa bàn huyện Chư Prông. Đang thực hiện nhiệm vụ thì anh T. đã bị ong từ trong lỗ trụ bay ra đốt. Mặc dù đã được sơ cứu kịp thời tại Trạm Y tế xã Ia Băng và sau đó chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai cấp cứu, nhưng anh T. đã không qua khỏi.
Kiểm tra an toàn lưới điện. Ảnh: H.D |
Với đặc thù của ngành điện là rất nguy hiểm, nếu có sai sót trong lao động sẽ dẫn đến hiểm họa khôn lường và ít có cơ hội để rút kinh nghiệm như những ngành nghề khác. Như trường hợp của anh T. là do chủ quan và chưa tuân thủ đúng theo quy trình quy phạm an toàn điện. Để hạn chế những sự cố đáng tiếc, Công ty Điện lực Gia Lai luôn xác định ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với mục tiêu bảo vệ an toàn cho người lao động, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nhiều giải pháp đã được Công ty đề ra như: thành lập hội đồng ATVSLĐ, thiết lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, hoạt động nền nếp theo nội quy, quy chế. Định kỳ 6 tháng, Hội đồng ATVSLĐ Công ty sẽ tổ chức kiểm tra toàn diện công tác ATVSLĐ ở các đơn vị sản xuất. Từ những tồn tại về an toàn lao động qua các đợt kiểm tra, Công ty đã kịp thời rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung các quy trình, quy định cần thiết đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả.
Ông Lê Quang Trường-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, Trưởng tiểu ban bảo hộ lao động-cho biết: “Công tác kiểm tra không đặt nặng về hồ sơ sổ sách mà tập trung vào các vấn đề liên quan đến ý thức của công nhân trong việc sử dụng trang bị bảo hộ lao động, chấp hành các nội quy, quy trình an toàn lao động. Nếu phát hiện công nhân nào khi làm việc không đảm bảo đầy đủ trang bị bảo hộ lao động, Công ty sẽ xem xét kỷ luật nặng, cần thiết sẽ cho thôi việc”.
Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên tuyên truyền về công tác ATVSLĐ tới cán bộ, công nhân viên; ban hành các quy định để quản lý, bảo vệ điều kiện làm việc, song song với đó là đề ra các biện pháp thực thi ATVSLĐ cụ thể, thiết thực, dễ áp dụng. Hàng tuần, các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên có báo cáo công việc cụ thể liên quan đến lưới điện và việc thực hiện những biện pháp an toàn lao động, phương án tổ chức thi công và các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, định kỳ 1 năm/lần, Công ty đều tổ chức đợt huấn luyện, sát hạch ATVSLĐ và an toàn điện cho các cán bộ, công nhân viên thuộc nhóm 3 và nhóm 4 với những nội dung cơ bản ở phần huấn luyện lý thuyết liên quan tới quy trình an toàn điện, quy trình thực hiện phiếu công tác, phiếu thao tác và công tác quản lý vận hành sửa chữa lưới điện. Cùng với đó là phần thi thực hành nhằm giúp các học viên bổ sung thêm những kiến thức cơ bản và nâng cao kỹ năng về đảm bảo ATVSLĐ và an toàn điện.
Ông Hoàng Văn Mã-Giám đốc Điện lực Phú Thiện-chia sẻ: “Đã có công nhân chết vì sự cố, hơn ai hết, đơn vị chúng tôi thấu hiểu tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Do vậy, đơn vị rất chủ động trong việc xây dựng phương án phòng ngừa tai nạn lao động, đề ra nhiều giải pháp ngăn ngừa tai nạn lao động theo tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh với nhiều hình thức phù hợp”. Ông Mã còn cho biết, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn ATVSLĐ cho cán bộ, công nhân; diễn tập phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; diễn tập sự cố và diễn tập an toàn. Ngoài ra, đơn vị còn tuyên truyền đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp tại các xã trên địa bàn.
HÀ DUY